Tật loạn thị là một tật khúc xạ do hình ảnh hội tụ không nằm trên võng mạc, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em và người trưởng thành. Vậy nguyên nhân và cách điều trị tật loạn thị như thế nào là đúng cách?
Loạn thị là gì?
Loạn thị là một dạng tật khúc xạ ở mắt. Dù ở khoảng cách xa hay gần, người bị loạn thị luôn thấy hình ảnh bị nhòe mờ, không rõ. Những tia sáng khi đi vào mắt thay vì hội tụ lại một điểm lại bị khuếch tán trên võng mạc, khiến hình ảnh thu được có hình dạng méo mó và nhoè.
Bất kỳ ai cũng có thể bị loạn thị. Loạn thị rất phổ biến, cứ 3 người thì có 1 người bị loạn thị. Loạn thị có thể phát triển tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống; thậm chí ngay từ khi sinh ra.
Các triệu chứng của loạn thị
Những người mắc tật loạn thị thường gặp các triệu chứng ban đầu sau:
- Mắt mờ, nhìn hình ảnh bị mờ, nhòe hoặc méo mó.
- Tầm nhìn đôi, nhìn một vật có hai hoặc ba bóng mờ.
- Khó khăn khi nhìn ở mọi khoảng cách.
- Khó nhìn hơn vào ban đêm
- Mỏi mắt: có thể nhận thấy dấu hiệu sau khi tập trung trong một thời gian dài
- Nhức đầu
- Nheo mắt
- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
Một số dấu hiệu kèm theo khác như nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu, đau cổ, đau vai gáy… cũng có thể xảy ra.
Nếu không điều trị, loạn thị dẫn đến giảm thị lực (nhược thị – mắt lười) và nặng hơn là mất thị lực. Vì vậy, người bệnh cần gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ra loạn thị
Nguyên nhân gây ra loạn thị là do giác mạc khi không còn giữ được độ cong hoàn hảo mà bị biến dạng không đều, khiến các tia sáng đi vào mắt hội tụ ở nhiều điểm khác nhau (có thể ở phía trước hoặc phía sau võng mạc), gây ra loạn thị.
Ngoài ra loạn thị còn có thể do độ cong của thủy tinh thể bất thường, loạn thị có nguy cơ cao ở những người:
- Tiền sử gia đình có người bị loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt, đặc biệt người có cả bố và mẹ bị loạn thị thì nguy cơ cao bị loạn thị.
- Tổn thương mắt như sẹo giác mạc.
- Bị cận thị hoặc viễn thị quá nặng.
- Tuổi tác cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật loạn thị. Thực tế, người cao tuổi thường có nguy cơ mắc tật loạn thị cao hơn người trẻ.
- Chấn thương ở mắt: có thể do chấn thương thể thao, tai nạn và dị vật trong mắt. Tình trạng này gây đau, sưng, đỏ và các triệu chứng khác. Một số người thấy những tia sáng lóe lên hoặc thay đổi thị lực. Chấn thương nghiêm trọng ở mắt có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
- Bệnh Keratoconus (Bệnh giác mạc hình chóp): xảy ra theo thời gian, khi độ cong tròn bình thường của bề mặt mắt lồi ra ngoài giống như hình nón.
- Thoái hóa giác mạc.
- Biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Các cách điều chỉnh được tật loạn thị
Có ba lựa chọn để điều chỉnh chứng loạn thị – đeo kính gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Kính gọng theo đơn hoặc kính áp tròng có thể điều chỉnh loạn thị (cùng với tật viễn thị hoặc viễn thị, nếu cần).
Sử dụng kính
Hiện nay có 3 loại kính được sử dụng để đeo cho người bị loạn thị là kính gọng, kính áp tròng mềm và kính áp tròng cứng Ortho – K. Để biết được loại kính nào phù hợp nhất, người bệnh cần dựa trên tình trạng của mắt và chỉ định từ bác sĩ nhãn khoa.
Đối với trẻ nhỏ và học sinh dưới 18 tuổi chưa đủ điều kiện để phẫu thuật tật khúc xạ, kính gọng sẽ là lựa chọn tối ưu và thuận tiện nhất. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp cụ thể, có thể sử dụng kính áp tròng để đảm bảo tính thẩm mỹ và tiện lợi. Dưới đây là đặc điểm của từng loại kính dành cho bệnh nhân loạn thị.
Kính gọng loạn thị
Kính gọng là loại kính phổ biến được dùng cho các trường hợp gặp vấn đề về tật khúc xạ như cận, loạn, viễn thị. Kính gọng loạn thị sẽ giúp điều chỉnh hình ảnh trùng khớp với võng mạc, hỗ trợ mắt nhìn rõ hơn, không còn hiện tượng vật thể bị mờ hay nhiễu.
- Ưu điểm: chi phí rẻ hơn các phương pháp điều trị khác.
- Nhược điểm: có thể bị mất hoặc hư, gãy và bể.
Kính áp tròng mềm
Kính áp tròng mềm (hay được gọi là lens) là loại kính có hình chảo, được ôm sát vào giác mạc và được thiết kế với độ cong phù hợp với giác mạc. Kính áp tròng không cần gọng đỡ mà được đặt trực tiếp vào bề mặt giác mạc, ngăn cách bởi một lớp nước mỏng, giúp kính có thể di chuyển theo chuyển động của mắt và giảm trầy xước giác mạc.
Hiện nay, kính áp tròng không chỉ giúp cải thiện tình trạng loạn thị mà còn có tính năng thẩm mỹ cao, làm đẹp cho đôi mắt. Người sử dụng có thể thoải mái trang điểm cho mắt hoặc tham gia hoạt động thể thao mà không lo bị cản trở hay làm rơi vỡ như khi sử dụng kính gọng.
Cần lưu ý, một số trường hợp khi đeo kính áp tròng mềm có thể gặp hiện tượng khô mắt hoặc kích ứng. Ngoài ra, việc vệ sinh kính áp tròng cần được thực hiện cẩn thận vì nếu không thao tác đúng có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm hoặc thậm chí dẫn đến xước giác mạc.
Kính áp tròng cứng Ortho – K
Kính Ortho – K (hay còn gọi là kính áp tròng cứng) là loại kính được thiết kế riêng dành cho từng bệnh nhân và chỉ được sử dụng vào ban đêm khi đi ngủ (ít nhất 8h). Kính Ortho – K sẽ điều chỉnh lại hình dáng của giác mạc trong khi đeo và giúp người bệnh lấy lại thị lực vào ban ngày mà không cần đeo thêm bất kỳ loại kính hỗ trợ nào khác.
Kính Ortho – K được làm từ chất liệu có tính thấm khí cao, cung cấp đủ oxy cho mắt. Mặc dù vậy, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mắt, người sử dụng kính Ortho – K cần tuân thủ lịch tái khám thường xuyên và chú ý đến quy trình tháo lắp, vệ sinh kính để hạn chế nguy cơ biến chứng.
Phẫu thuật (cách điều trị triệt để tật loạn thị)
Khi đủ tuổi trưởng thành (18 tuổi), người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật để triệt tiêu hoàn toàn tật loạn thị, cải thiện thị lực và giảm sự phụ thuộc vào kính gọng/kính áp tròng trong sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh có thể tham khảo 2 giải pháp dưới đây:
- Sử dụng laser tác động lên giác mạc, điều chỉnh cho hình dạng giác mạc trở nên đồng đều, đưa mắt trở về chính thị. Một số phương pháp sử dụng laser an toàn và hiệu quả là phẫu thuật ReLEx SMILE, phẫu thuật Femtosecond Lasik, phẫu thuật SBK Lasik. Đối với những bệnh nhân có nền giác mạc yếu, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định thực hiện thêm thủ thuật Crosslinking để làm bền vững thêm cấu trúc giác mạc.
- Sử dụng thấu kính nội nhãn được thiết kế cá nhân hóa dành riêng cho mắt người bệnh, đặt trực tiếp vào sau mống mắt và trước thủy tinh thể để điều chỉnh tật loạn thị. Người bệnh có thể tham khảo phẫu thuật Phakic với loại thấu kính nội nhãn ICL hoặc IPCL.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
BỆNH VIỆN TNCK MẮT QUỐC TẾ DND HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: 250 Trường Chinh, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương
Hotline: 0899 034 034
Fanpage: https://www.fb.com/HaiDuong.matquocte.vn
Website: https://haiduong.matquocte.vn/