1. Cận thị là gì?
Cận thị là tật khúc xạ thường gặp nhất của mắt gây rối lọan chức năng thị giác nên còn gọi là “tật nhìn gần”.
Ngày nay, tỷ lệ mắc cận thị ngày càng gia tăng, thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Nguyên nhân gây cận thị chưa được xác định rõ ràng, nhiều bác sĩ nhãn khoa cho rằng nó có liên quan đến việc tình trạng mắt mệt mỏi do sử dụng máy tính và các công việc nhìn gần kéo dài khác hoặc do di truyền. Nguy cơ tăng cao khi bố mẹ cùng mắc cận thị.
2. Cận thị xảy ra như thế nào?
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc,thể thủy tinh quá cong so với nhãn cầu khiến những tia sáng đi vào mắt hội tụ tại một điểm trước võng mạc thay vì đúng ngay trên võng mạc.
Người cận thị sẽ gặp khó khăn khi nhìn các vật khác ở xa, xem tivi, biển báo giao thông, nhưng có thể nhìn thấy rõ các vật ở gần như đọc sách và sử dụng máy tính. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của mắt cận thị bao gồm nheo mắt, căng mỏi mắt và nhức đầu.
3. Bệnh lý cận thị có nguy hiểm không?
Cận thị học đường thường nhẹ và ít gây nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập như đi trời mưa, trời tối, chơi thể thao…
Ngược lại, cận thị bệnh lý được cho là di truyền, sự kéo dài của trục nhãn cầu có thể diễn ra rất nhanh, dẫn đến tăng độ nhanh gây giảm thậm chí mất thị lực. Người bệnh có nguy cơ bị bong võng mạc và những bệnh lý khác bao gồm xuất huyết hoàng điểm do sự phát triển bất thường của các tân mạch.
4. Có những cách nào để điều trị cận thị?
4.1 Kính gọng, kính áp tròng
Kính gọng là phương pháp đơn giản, giá rẻ. Tùy thuộc vào mức độ cận thị, bạn có thể phải đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng liên tục hoặc chỉ khi cần nhìn xa rõ, như lái xe, nhìn bảng khi học hoặc xem phim.
Ortho-K là một phương pháp không phẫu thuật, bạn mang một kính áp tròng cứng (RGP hoặc GP) vào ban đêm, giúp điều chỉnh hình dáng giác mạc trong khi ngủ. Khi bạn tháo kính vào buổi sáng, giác mạc tạm thời giữ lại hình dạng mới, vì vậy bạn có thể nhìn rõ cả ngày mà không cần đeo kính.Biện pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chữa trị tạm thời cận thị và giảm tiến triển tăng độ cận ở mức độ nhẹ đến trung bình. Thường được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân chưa đủ tuổi, độ cận không ổn định để phẫu thuật laser.
4.2 Đặt kính nội nhãn – Phakic IOL, Phaco IOL
Phẫu thuật đặt kính nội nhãn giúp điều chỉnh độ cận thị, đặc biệt với những người cận nặng hoặc có giác mạc mỏng hơn bình thường có thể tăng nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật LASIK hoặc các phẫu thuật laser điều chỉnh khác.
4.3 Phẫu thuật laser
Hiện tại có 4 phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất: ReLEx SMILE, Femto-Lasik, SmartsurfACE, Lasik đều sử dụng tia laser để điều trị cận thị. Các phương pháp này đều an toàn, thực hiện nhanh chóng và thời gian nghỉ ngơi ngắn, khả năng tái cận thấp, rất phù hợp với những người trẻ bận rộn, năng động.
5. Những lưu ý với người có tật khúc xạ
– Nên đi khám để được phát hiện sớm các loại tật khúc xạ.
– Khi đã xác định có tật khúc xạ nên đeo kính đúng độ, tái khám đúng định kỳ để theo dõi tật khúc xạ.
– Có chế độ học tập, làm việc đúng. Đặc biệt khi phải nhìn gần, đọc sách, báo, vi tính nhiều phải có thời gian để mắt nghỉ ngơi (mỗi 15 – 20 phút phải nhắm mắt để cho mắt nghỉ ngơi, không được để đến khi mắt mệt, mỏi, mờ mới nghỉ ngơi là không nên, sau khi nhắm mắt nghỉ nên nhìn rõ vào một vật ở xa cách mình 4 – 5m để cho mắt thư giãn).
– Học tập, làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, để mắt đúng tầm nhìn.