Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng của tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian dài làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ ở thị lực nhưng về lâu dài có thể dẫn đến mù lòa.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?
Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mắt. Bệnh xảy ra do tổn thương các mạch máu của võng mạc. Lúc đầu, bệnh võng mạc tiểu đường có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ về thị lực. Nhưng lâu dài bệnh có thể gây mù lòa. Người bị tiểu đường càng lâu năm càng có nguy cơ cao bị biến chứng mắt.
Bệnh xảy ra hầu hết ở các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm. Người ta thống kê, nhìn chung sau 15 năm bị đái tháo đường, 2% bệnh nhân sẽ mù, 10% bệnh nhân thị lực kém.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý võng mạc tiểu đường
Khi người mắc tiểu đường không kiểm soát lượng đường máu tốt sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Người bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 đều có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh võng mạc tiểu đường thường tăng theo thời gian bị tiểu đường và mức độ kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh võng mạc tiểu đường dễ xuất hiện nếu người bị tiểu đường kết hợp với: thai nghén, cao huyết áp, bệnh lý thận, thiếu máu, tăng lipid máu, béo phì, hút thuốc lá.
Bệnh đái tháo đường gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạch máu. Tại mắt, do tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.
Võng mạc là bộ phận cảm thụ ánh sáng, trong đó hoàng điểm là trung tâm của võng mạc, nơi cho thị lực tinh tế nhất. Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường trên võng mạc làm cho võng mạc bị tổn thương nặng, ảnh hưởng trầm trọng tới chức năng thị giác.
BIỂU HIỆN CỦA BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG
Người bị bệnh võng mạc tiểu đường thường không có dấu hiệu bất thường trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nguy hiểm hơn mới thấy rõ các triệu chứng của nó bao gồm:
- Nhìn mờ.
- Nhìn thấy những vùng sáng hoặc tối.
- Khó nhìn vào ban đêm.
- Thấy màu sắc mờ hoặc nhòe.
- Tầm nhìn bị thu hẹp.
Nếu thấy các dấu hiệu bất thường ở mắt, người bệnh tiểu đường cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
PHÂN LOẠI BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG
Bệnh võng mạc tiểu đường gồm 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ, với những khu vực sưng lên như bong bóng ở các mạch máu nhỏ của võng mạc.
- Giai đoạn 2: Bệnh võng mạc không tăng sinh vừa, các mạch máu bắt đầu cản trở lưu lượng máu đến võng mạc gây tích tụ máu và các chất lỏng tại đây.
- Giai đoạn 3: Bệnh võng mạc không tăng sinh nghiêm trọng. Nhiều mạch máu bị tắc nghẽn hơn và nhiều mạch máu mới bắt đầu phát triển.
- Giai đoạn 4: Võng mạc tăng sinh: Có những mạch máu mới bất thường, phát triển dọc theo võng mạc dễ vỡ và xuất hiện các dịch thủy tinh bên trong mắt.
Cách điều trị võng mạc tiểu đường
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mắt, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Tuy nhiên, việc đầu tiên mỗi bệnh nhân tiểu đường cần làm là kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp để ngăn chặn mất thị lực. Đến gặp bác sĩ tiểu đường để được hướng dẫn chế độ ăn uống và vận động phù hợp cho người bệnh tiểu đường. Kiểm soát đường huyết tốt giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. Ngoài ra người bệnh sẽ được bác sĩ mắt chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:
- Tiêm thuốc vào mắt: thuốc giúp giảm phù điểm vàng, làm chậm quá trình mất thị lực và có thể cải thiện thị lực. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm: avastin, eylea, lucentis… Thuốc được tiêm vào mắt, người bệnh có thể tiêm nhiều mũi trong thời gian điều trị.
- Laser: để giảm sưng ở võng mạc, bác sĩ khoa Mắt sẽ sử dụng tia laser để làm cho các mạch máu co lại và ngừng rò rỉ. Phương pháp laser gọi là phẫu thuật bằng laser tán xạ (đôi khi gọi quang đông võng mạc). Trước khi làm laser bạn sẽ được nhỏ thuốc tê vào mắt, sử dụng một thấu kính đặc biệt và nhắm tia laser vào mắt.
- Phẫu thuật: cắt bỏ dịch kính được chỉ định với các trường hợp bong võng mạc nhằm sửa các lỗ hổng hoặc vết rách trên võng mạc. Giải quyết xuất huyết dịch kính và chữa các nguồn chảy máu ở võng mạc.
PHÒNG TRÁNH BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG
Ăn uống lành mạnh kiêng đồ ngọt, tăng cường ăn nhiều loại rau xanh, tinh bột đã qua tinh chế, trái cây tươi có ít đường…và tăng cường hoạt động thể chất như một thói quen hàng ngày ít nhất 30 phút mỗi ngày, và ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Hạn chế dùng máy tính, điện thoại, nhìn trực tiếp ánh nắng hay các loại ánh sáng mạnh khác.
Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường cần khám mắt định kỳ thường xuyên theo mốc thời gian, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm/ lần để bác sĩ tại bệnh viện chuyên khoa mắt kiểm tra và phát hiện sớm tổn thương võng mạc. Việc điều trị sớm bệnh sẽ giữ được thị lực cho mắt, hạn chế được tình trạng giảm thị lực và bị mù.
BỆNH VIỆN TNCK MẮT QUỐC TẾ DND HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: 250 Trường Chinh, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương
Hotline: 0899 034 034
Fanpage: https://www.fb.com/HaiDuong.matquocte.vn
Website: https://haiduong.matquocte.vn/