Nghiên cứu mới đây của tạp chí American Academy of Ophthalmology cho thấy có chênh lệch giới tính lớn trong sự phân bố các bệnh lý về mắt.
Phụ nữ có nguy cơ mắc phải những bệnh lý về mắt nguy hại đến thị lực nhiều hơn nam giới như là thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, glôcôm (tăng nhãn áp, còn được gọi là cườm nước hay thiên đầu thống).
Theo thống kê, phụ nữ chiếm 65% các ca thoái hóa điểm vàng; 61% các ca glôcôm và đục thủy tinh thể, chưa kể đến 66% bệnh nhân bị mù vĩnh viễn là phụ nữ. Tại sao lại có sự mất cân bằng này? Có một số giả thiết. Phụ nữ về cơ bản thường sống lâu hơn nam giới, và các bệnh lý về mắt thường liên quan nhiều đến vấn đề tuổi tác. Một số tình trạng ở mắt, như khô mắt, rất phổ biến ở phụ nữ vào mọi lứa tuổi. Vấn đề thiếu hụt về kinh tế và xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến chế độ chăm sóc mắt của phụ nữ, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
Có những bệnh lý về mắt mà phụ nữ nên đặc biệt cẩn trọng hơn nam giới. Triệu chứng khô mắt xuất hiện nhiều gấp đôi ở phụ nữ trong thời kỳ hậu mãn kinh. Nhìn chung, phụ nữ dễ mắc phải những bệnh liên quan đến tự miễn dịch hơn nam giới, như là lupus, hội chứng Sjogren, bệnh cường cận giáp trạng… rất nhiều những bệnh này gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị lực. Ngoài ra, việc mang thai cũng gây ra sự thay đổi hoócmôn trong cơ thể phụ nữ và dẫn đến biến đổi về thị lực.
Hầu hết hết các trường hợp mất thị lực dẫn đến mù có thể được ngăn chặn nếu có phương pháp phòng ngừa kịp thời.
Dưới đây là 5 bước đơn giản mà bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt:
+ Định kỳ tới các trung tâm nhãn khoa đáng tin cậy để thực hiện khám mắt chuyên sâu khi sang tuổi 40.
Những dấu hiệu và thay đổi cơ bản về thị lực thường bắt đầu vào thời kỳ này. Có những bệnh lý nghiêm trọng về mắt chỉ được phát hiện qua quá trình khám mắt chuyên sâu bằng hệ thống máy khám hiện đại và đồng bộ.
+ Tìm hiểu bệnh sử của những người thân trong gia đình. Một số bệnh lý có thể mang tính di truyền.
Nếu người thân của bạn bị thoái hóa điểm vàng, bạn có 50% nguy cơ sẽ bị tương tự. Người thân trong gia đình có tiền sử bị glôcôm sẽ tăng nguy cơ bạn bị glôcôm đến 9 lần. Hãy nói chuyện với người thân về sức khỏe đôi mắt của họ, qua đó có thể giúp bác sĩ nhãn khoa xác định những rủi ro về mặt bệnh lý mà đôi mắt của bạn có thể mắc phải.
+ Ăn uống lành mạnh và điều độ.
Một thực đơn cân bằng với các loại rau củ, ngũ cốc, dầu thực vật… sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe đôi mắt nói riêng.
+ Không hút thuốc, hoặc từ bỏ hút thuốc nếu bạn là người hút thuốc thường xuyên.
Khói thuốc lá khiến tình trạng khô mắt thêm trầm trọng, tăng nguy cơ dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng về mắt và các tình trạng liên quan đến tuổi tác như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Khói thuốc còn tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch có thể đi kèm với thoái hóa thị lực.
+ Đeo kính râm có lớp tráng chống nắng khi ra ngoài trời.
Tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại khiến tăng nguy cơ dẫn tới các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, mọc mụn thịt và ung thư ở vùng mắt. Hãy thường xuyên đeo kính râm chống 100% tia UV và đội mũ khi ra ngoài trời.
Các xét nghiệm và kiểm tra mắt không chỉ liên quan tới đánh giá về thị lực, mà còn nói lên tổng thể sức khỏe đôi mắt của bạn. Tốt nhất là mọi lứa tuổi và mọi giới tính đều nên đi khám mắt định kỳ nhằm đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt khi về già.