Người bị cận nên biết cách phân biệt các dạng cận thị khác nhau để có phương pháp điều trị cận thị phù hợp.
I) Cận thị là gì?
Cận thị là một tật khúc xạ rất ở mắt rất phổ biến, hầu hết bệnh nhân tới nhãn khoa là để điều trị cận thị. Người bị cận thị gặp khó khăn khi nhìn và ghi nhận hình ảnh chi tiết ở xa. Thường họ phải nheo mắt điều tiết để thấy rõ hơn.
Cận thị (hay còn gọi là “tật nhìn gần”) thường là do:
– Chiều dài trục nhãn cầu hơi dài so với bình thường.
– Mắt hay phải nhìn gần thường xuyên, hoặc công suất hội tụ của giác mạc & thủy tinh thể quá cao.
Hình ảnh của vật nhìn thấy không được hội tụ trên võng mạc như mắt bình hường mà là hội tụ ở trước đó, vì vậy người cận thị không nhìn được rõ nét các vật ở cự ly xa.
II) Phân loại cận thị
1) Cận thị đơn thuần (simple myopia)
Cận thị đơn thuần thường có độ cận nhỏ hơn 6 Điốp và cũng có thể đi kèm với loạn thị. Đây là loại cận thị phổ biến nhất, thường bắt đầu ở độ tuổi đi học từ 6 – 18 tuổi (chiếm đến hơn 70%). Do mắt hay phải nhìn gần khiến thủy tinh thể phồng lên, độ khúc xạ tăng theo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu là ở chế độ sinh hoạt và một phần do di truyền. Cận thị đơn thuần phát triển qua nhiều năm và ngừng ở một mức độ nhất định.
2) Cận thị thứ phát (induced myopia hay acquired myopia)
Cận thị thứ phát có thể do (a) sơ hóa thủy tinh thể (nuclear sclerosis); (b) tác dụng phụ do tiếp xúc với một số loại thuốc kê đơn; (c) đường huyết tăng cao (phần lớn do tiểu đường) và một số nguyên nhân khác.
3) Cận thị ban đêm (nocturnal myopia)
Cận thị ban đêm tức mắt nhìn kém đi về ban đêm hoặc khi có ánh sáng yếu. Về cơ bản, vào ban ngày mắt vẫn nhìn bình thường. Khi mắt bị cận thị ban đêm, đồng tử sẽ điều tiết để nhận được thêm nhiều ánh sáng. Hệ quả là hình ảnh tới mắt sẽ bị biến dạng.
4) Cận thị giả (pseudomyopia)
Cận thị giả xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết. Cơ thể mi trong mắt phụ trách nhiệm vụ chỉnh khả năng điều tiết. Khi cơ thể mi bị co cứng, sẽ xảy ra cận thị giả, khiến mắt không nhìn rõ được như bình thường. Tình trạng này là tạm thời và mắt có thể hồi phục sau một thời gian nghỉ ngơi nhất định.
5) Cận thị thoái hóa hay cận thị bệnh lý (degenerative myopia hay pathological myopia)
Cận thị thoái hóa là cận thị rất nặng, mắt thường cận hơn 6 Điốp và kèm theo thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu. Trục nhãn cầu phát triển dài nhanh hơn bình thường, mắt không ổn định và liên tục tăng độ cận, khiến mọi vật xung quanh ngày một nhòe hơn.
Trường hợp này có thể dẫn tới thoái hóa võng mạc và hoàng điểm, bong võng mạc có vết rách, lác mắt, glôcôm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực cả ở những người còn khá trẻ.
Loại cận thị này khá hiếm và nguy hiểm, thường phát triển từ khi còn rất nhỏ và không ngừng lại cả khi bệnh nhân trưởng thành. Bệnh nhân cận nặng nên nhỏ giãn soi đáy mắt càng sớm càng tốt để phát hiện và điều trị kịp thời.
III) Các phương pháp điều trị cận thị
1) Đeo kính gọng
Thấu kính được sử dụng cho bệnh nhân cận thị là thấu kính phân kỳ. Đây là phương pháp rẻ tiền và thông dụng nhất.
Nhược điểm: Người đeo kính gặp hạn chế ở các hoạt động thể thao đặc biệt là khi bơi lội; lệ thuộc vào gọng kính, không điều trị cận thị được triệt để; gặp giới hạn với tầm nhìn ngoài kính; một số người gặp vấn đề về thời trang khi phải đeo gọng kính to và nặng; kính bị mờ khi đi đường trời mưa hoặc khi trời có độ ẩm cao.
2) Đeo kính áp tròng
Bệnh nhân cận thị có thể lựa chọn sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng mềm.
Nhược điểm: Một số người quá mẫn cảm và bị dị ứng với kính áp tròng, mắt dễ bị khô do giác mạc bị kính ngăn với dịch ở mắt, nếu khâu vệ sinh kính áp tròng không triệt để có khả năng gây viêm nhiễm và biến chứng, bệnh nhân phải thay kính áp tròng thường xuyên, chi phí về lâu dài cho các loại kính áp tròng là không nhỏ.
3) Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K
Đây là phương pháp điều trị tật khúc xạ tạm thời và khá an toàn cho những người chưa đến tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi) hoặc chưa muốn phẫu thuật.
Ortho K khử độ cận tạm thời thông qua kính áp tròng ban đêm có khả năng chỉnh hình giác mạc. Khi ngừng sử dụng, bề mặt giác mạc quay dần về độ cong ban đầu nên không chữa trị được triệt để.
Nhược điểm: Không mấy hiệu quả với độ cận nặng; chỉ có tác dụng tạm thời, độ cận trở về như cũ khi ngừng sử dụng; vẫn tồn tại khả năng viêm nhiễm và biến chứng dù khá ít; bệnh nhân phải thay kính thường xuyên với giá thành đắt đỏ.
4) Phẫu thuật khúc xạ
Phẫu thuật khúc xạ là phương pháp phẫu thuật an toàn cao, mang lại giá trị hiệu quả cho những người không muốn bị lệ thuộc vào việc sử dụng kính. Bệnh viện Mắt Quốc tế DND hiện có các máy phẫu thuật laser hàng đầu thực hiện các phẫu thuật khúc xạ tân tiến như Lasik, Femto-Lasik, SmartSurf ACE, ReLEx SMILE.
5) Phẫu thuật Phakic
Phẫu thuật Phakic còn gọi là đặt kính nội nhãn vào trong mắt. Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân có độ cận cao đến rất cao và giác mạc quá mỏng. Phương pháp này cũng có nhược điểm là có nguy cơ tăng nhãn áp, có khả năng viêm nhiễm, giá thành cao và thời gian phẫu thuật lâu hơn so với các phương pháp khác.
6) Phẫu thuật thay thủy tinh thể
Phương pháp này áp dụng khi bệnh nhân bị cận quá cao, không thể can thiệp được bằng các phương pháp phẫu thuật laser.