Nếu bạn đã đeo kính áp tròng quen rồi thì không sao, nhưng nếu là người mới tập tành làm điệu với kính áp tròng, đừng quên những điều lưu ý dưới đây.
1. Đeo kính áp tròng trước rồi mới trang điểm sau
Không trang điểm xong rồi mới đeo kính áp tròng. Bởi nếu kính áp tròng chỉ dính phải một chút mascara hay bụi phấn mắt cũng có thể dẫn tới nhiễm trùng. Khi đeo kính áp tròng, tay có thể làm lem trang điểm mắt, hoặc nước mắt vô tình chảy ra sẽ làm nhòe mất những đường kẻ nhũ. Hãy nhớ việc đeo kính áp tròng là việc đầu tiên cần làm, ngay sau khi rửa mặt và ngay trước khi bắt đầu thoa các loại kem dưỡng hay kem nền trang điểm.
2. Lau rửa kính theo đúng hướng dẫn
Không bao giờ được dùng nước máy hay thậm chí cả nước đun sôi để nguội để lau rửa kính áp tròng, vì trong nước máy hay nước uống vẫn có thể chứa các cặn siêu nhỏ có thể khiến mắt bị cộm, ngứa. Thứ duy nhất được phép dùng để lau rửa kính áp tròng chính là loại nước rửa kính áp tròng chuyên dụng, không được phép dùng nước rửa kính cận thông thường.
3. Không được dùng lại dung dịch ngâm kính cũ
Luôn phải ngâm kính áp tròng trong dung dịch chuyên dụng, và một khi đã lấy kính ra để đeo, hãy thay luôn nước ngâm, không được dùng lại phần nước này để ngâm tiếp, tránh tình trạng gây nhiễm trùng cho kính.
4. Không dùng lại loại kính áp tròng dùng một lần
Với những người thích thử nghiệm đeo kính áp tròng trong những dịp đặc biệt, thì kính áp tròng dùng một lần chính là giải pháp hoàn hảo, giúp tiết kiệm chi phí, lại không mất công lau rửa, bảo quản. Loại kính áp tròng này chỉ nên được sử dụng trong vòng 1 ngày, một khi đã tháo ra thì nên vứt bỏ ngay. Loại kính này không có khả năng kháng lại bụi bẩn và vi khuẩn, nên nếu đeo thêm lần thứ hai sẽ dễ gây ra nguy cơ nhiễm trùng.
5. Nên đi khám trước khi đeo kính áp tròng
Việc mua kính áp tròng hiện nay khá đơn giản. Các chuyên gia vẫn khuyên nên đi khám mắt ở phòng khám hoặc các cửa hiệu kính mắt uy tín, để đảm bảo rằng tình trạng mắt đủ khỏe mạnh để đeo kính áp tròng. Đặc biệt, những người có mắt nhạy cảm sẽ được chỉ định đeo các loại kính áp tròng có khả năng ngăn chặn tia tử ngoại. Những người bị cận thị cần phải đi đo mắt để có số kính chính xác, không giống như những loại kính cận gọng thông thường có thể “đeo tạm” một số kính không chuẩn.
6. Không đeo kính áp tròng quá lâu
Không nên đeo kính áp tròng suốt cả ngày, đặc biệt là khi ngủ trưa thì cần tháo kính ra. Đối với mỗi người, thời gian đeo kính áp tròng sẽ khác nhau, tùy vào tình trạng của mắt, đồng thời cũng tùy vào môi trường sống. Với những người sống ở khu vực nhiều khói bụi và ô nhiễm, càng nên đeo kính áp tròng trong thời gian càng ngắn càng tốt.
7. Không đeo kính áp tròng khi đang bị đau mắt
Khi mắt đang có triệu chứng khó chịu, ngứa, cộm hoặc đỏ, thì không được đeo kính áp tròng. Cũng nên kiểm tra kỹ chất lượng của kính áp tròng, vì có thể chính bản thân khiếm khuyết trên mắt kính khiến mắt bị đau. Nếu kính bị rách, sứt thì phải vứt bỏ ngay lập tức, không được cố đeo.
8. Không đeo kính áp tròng quá hạn sử dụng
Thông thường, các loại kính áp tròng có hạn sử dụng từ 2 tuần cho đến 3 tháng, không được cố đeo kính áp tròng quá thời hạn này. Nếu là người thường xuyên phải đeo kính áp tròng, hãy mua sẵn 2-3 đôi kính, và ghi luôn hạn sử dụng trên hộp đựng kính để đảm bảo mình không bao giờ quên thay kính mới.
9. Không dùng chung kính áp tròng
Không bao giờ được dùng lại kính áp tròng của người khác, cũng không cho ai khác mượn kính áp tròng. Kể cả khi đã lau rửa cẩn thận, không thể chắc chắn đã loại bỏ vi khuẩn 100%, vì thế rất có thể bị lây nhiễm các bệnh về mắt qua việc dùng chung kính áp tròng. Đặc biệt là với kính áp tròng cận, việc dùng kính có số khác với số mắt của mình có thể ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn.
Theo Emdep