Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh dị ứng ở mắt nên việc phòng bệnh thường rất khó khăn. Bệnh liên quan đến thời tiết, thường xuất hiện ở giai đoạn chuyển mùa xuân sang mùa hè (liên quan đến thời gian trong ngày và việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời).
1. Triệu chứng lâm sàng
1.1 Triệu chứng cơ năng:
- Ngứa dữ dội: Là dấu hiệu điển hình của viêm kết mạc mùa xuân
- Chảy nước mắt: Bệnh nhân có cảm giác như có dị vật trong mắt
- Sợ ánh sáng: Kích thích, sợ ánh sáng
- Tiết tố ít trong, dai và đàn hồi.
1.2 Triệu chứng thực thể:
- Phù nề mi
- Kết mạc phì đại, nhú viêm hình đa giác trên kết mạc sụn mi (chủ yếu là ở sụn mi trên)
- Soi trên sinh hiển vi thấy nhiều gai máu tập hợp lại.
2. Cơ chế của bệnh viêm kết mạc mùa xuân
Viêm kết mạc mùa xuân là một trong những loại viêm kết mạc do dị ứng. Bệnh xảy ra ở trên người có cơ địa dị ứng. Do cơ địa dị ứng nên bệnh nhân bị viêm kết mạc mùa xuân thường có thêm các bệnh viêm phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da cơ địa…
Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất, mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân gây hại. Ví dụ, bụi được xem là chất vô hại đối với mắt người bình thường, nhưng đối với mắt bệnh, khi gặp bụi, mắt sẽ tiết ra rất nhiều nước và dịch nhầy.
Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi…) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù…
Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới tuổi thanh thiếu niên, kéo dài đến tuổi dậy thì rồi sẽ tự giảm dần.
3. Phòng bệnh như thế nào?
Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh dị ứng do vậy việc phòng bệnh là rất khó khăn. Ban đầu bệnh sẽ không ảnh hưởng đến thị lực, nhưng khi có tổn thương giác mạc, thị lực sẽ giảm tùy mức độ tổn thương. Do bệnh hay tái phát nên bệnh nhân cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ, cũng như không nên dùng đơn thuốc cũ vì mỗi thời điểm có thể dùng loại thuốc khác nhau. Nếu không dùng đúng cách có thể dẫn đến mù lòa.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và bụi bằng cách đeo kính râm. Có thể di chuyển chỗ ở để loại trừ sự tiếp xúc với kháng nguyên nếu điều kiện cho phép.