Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm màng kết, là một tình trạng thường gặp ở mắt. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ khi màng kết bị kích thích hay nhiễm trùng dẫn đến sưng tấy màng nhãn cầu và phần trắng bên trong mí mắt.
Nếu bị đau mắt đỏ kéo dài có thể gặp phải biến chứng như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu… có thể gây sẹo giác mạc và giảm thị lực.
Dân gian hay có lời đồn rằng nhìn vào mắt của những người bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thì bạn cũng sẽ bị đau mắt đỏ theo. Đây là một lời đồn vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Trên thực tế, virus gây bệnh này lây qua hơi thở và nước bọt, hoặc trực tiếp khi qua tay khi chạm vào mắt. Virus này có thể sống trên các mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày.
Các triệu chứng của đau mắt đỏ có thể như sau:
– Đỏ ở một hoặc cả hai mắt, có thể sưng tấy mí mắt;
– Ngứa một hoặc cả hai mắt;
– Cảm giác cộm như có sạn ở trong mắt;
– Có rỉ dịch ở mắt, khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do rỉ mắt;
– Chảy nước mắt;
– Có một số triệu chứng tương tự khi bị cúm như ho và rát họng;
– Mắt mờ hơn bình thường.
Đau mắt đỏ thường là do nhiễm trùng nhẹ và có thể hết sau từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, đôi khi có thể có biến chứng nguy hiểm hơn. Bệnh nhân nên tới gặp bác sĩ nhãn khoa nếu đau mắt đỏ không hết sau một tuần.
Thời tiết nóng nực hoặc khi độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển mạnh, khả năng lây bệnh lúc này khá dễ dàng. Trường học là môi trường có tương tác lớn, do vậy rất dễ lây lan dịch đau mắt đỏ. Trẻ khi phát hiện bị đau mắt đỏ nên được nghỉ học 5-7 ngày.