Vào năm 2050, một nửa dân số thế giới có thể sẽ bị cận thị.
Đây là vấn đề y tế cộng đồng nghiệm trọng được nêu trong một nghiên cứu về tốc độ gia tăng cận thị đến chóng mặt trong các thập kỷ gần đây. Nghiên cứu này có tên “Global Prevalence of Myopia and High Myopia and Temporal Trends from 2000 through 2050” và đã được công bố trên tạp chí của Viện Nhãn Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Ophthalmology) là Opthalmology.
Sự gia tăng người mắc cận thị chủ yếu do thói quen “nhìn gần” và “ít hoạt động ngoài trời”. Năm 2050, ước tính là 49,8% dân số thế giới tức hơn 4 tỷ người có thể mắc tật cận thị. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cận thị cao dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực chiếm đến gần 1 tỷ người trong số này.
Tình trạng mất thị lực do cận thị cao được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050. Cận thị có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới.
Kết luận tổng quan này là do các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Thị giác Brien Holden, Đại học New South Wales và Viện nghiên cứu Nhãn khoa Singapore đã phân tích từ dữ liệu của 145 nghiên cứu về nhãn khoa quốc tế khác nhau.
Các số liệu tại Việt Nam cũng đáng lo ngại không kém so với trên thế giới.
Theo Ths. BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc xạ tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND, tỷ lệ cận thị trong giới học sinh ở nước ta hiện chiếm khoảng 30-40%. Số liệu mới nhất này cao hơn 10% số liệu cách đây 5 năm do chính bác sĩ và Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tiến hành khám sàng lọc tại cùng một khu vực ở Hà Nội.
Bác sĩ Hằng ái ngại nói: “Cá biệt ở các trường chuyên, lớp chọn hoặc các lớp cuối cấp số học sinh bị dị tật khúc xạ chiếm 60%-70%; tỉ lệ cứ 10 em học sinh thì có tới 6 đến 7 em phải đeo kính.”
Để dự báo ảm đạm về thị lực của thế giới tương lai không thành sự thực, các bậc phụ huynh nên cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng về tật khúc xạ và các bệnh về mắt. Người lớn nên đưa con em họ đến các trung tâm nhãn khoa và các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị đầu ngành để khám định kỳ thường xuyên.
Có thể tìm hiểu thêm về phân loại cận thị và các phương pháp điều trị cận thị ở đây.
Nguồn: http://www.aaojournal.org/article/S0161-6420(16)00025-7/pdf