Mộng thịt (hay còn gọi là “mộng mắt”) – một bệnh lý khá phổ biến và xuất hiện ở các độ tuổi khác nhau. Mộng thịt có thể gây cản trở thị lực và cách điều trị được các bác sĩ đưa ra đó là phẫu thuật cắt mộng.
Mộng thịt là gì?
Mộng thịt là một khối liên kết có màu hồng nhạt hoặc hồng trắng, hay xuất hiện ở góc trong hoặc góc ngoài của mắt hoặc ở cả hai góc, có hình tam giác kéo dài từ kết mạc về phía trung tâm giác mạc. Đầu mộng dính và phủ lên giác mạc (lòng đen), thân mộng có hình nón quạt di động trên củng mạc, hơi gồ lên và có thể nhìn thấy mạch máu ở trên. Đây là một tổn thương lành tính, phát triển chậm, không phải là ung thư và hầu như không có hại.
Tuy nhiên do nhiều yếu tố: cơ địa, môi trường tiếp xúc… mộng thịt có thể lan rộng, xâm lấn vào giác mạc và che kín đồng tử (con ngươi) làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như gây suy giảm thị lực.
Mộng thịt thường gặp ở người trung niên nhưng cũng có thể phát triển ở những người trẻ tuổi hơn. Bệnh khá phổ biến ở những nước nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có nhiều gió, bụi, ánh nắng mặt trời…Ở Việt Nam, mộng mắt chiếm hơn 5% dân số, thường tập trung tại khu vực miền Trung.
Nguyên nhân gây ra mộng thịt
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra mộng thịt bao gồm:
Tác động của tia cực tím: Những người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, đặc biệt là ở ngoài trời, sống ở những vùng có nhiều gió bụi có nguy cơ cao hơn mắc bệnh mộng thịt. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều, bức xạ của tia tử ngoại sẽ làm khiếm khuyết các tế bào mầm ở vùng rìa kết mạc và giác mạc, khi hàng rào này bị phá hủy có thể gây nên mộng thịt.
Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy rằng người có tiền sử gia đình mắc bệnh mộng thịt mắt có nguy cơ cao hơn so với người không có tiền sử.
Các yếu tố nguy cơ khác:
- Tiền sử khô mắt: Người bị khô mắt có nguy cơ cao hơn mắc bệnh mộng mắt.
- Thiếu vitamin A, viêm kết mạc mãn tính,…
Các biến chứng khi mắc mộng thịt ở mắt
Bệnh mộng thịt thường không được phát hiện sớm và tự ý điều trị khiến cho tình trạng bệnh diễn tiến phức tạp và có thể gây ra các biến chứng mộng thịt nguy hại như:
- Viêm kết mạc: do mộng bị kích thích từng đợt gây viêm đỏ
- Thường xuyên chảy nước mắt
- Loạn thị do mộng bám trên bề mặt giác mạc gây biến đổi độ cong giác mạc
- Nhìn đôi: nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình
- Có thể gây viêm loét giác mạc vùng đầu mộng
- Dính mi cầu: Là tình trạng thành xơ bị dính chặt vào kết mạc nhãn cầu với kết mạc mi mắt, khiến mi mắt và nhãn cầu không thể cử động được. Tình trạng này làm hạn chế cử động của mắt, kéo dài có thể gây ra nhược thị.
- Mất thị lực: Khi mộng thịt phát triển quá mức có thể làm tổn thương giác mạc và nhãn cầu nghiêm trọng. Lúc đó, thị lực bị ảnh hưởng nặng nề, có thể mất một phần hoặc toàn bộ thị lực. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến cho người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh giác mạc, thủy tinh thể… cao hơn.
Các giai đoạn của mộng thịt
Có 4 giai đoạn của mộng thịt:
• Mộng thịt độ I: Mộng mới đến rìa giác mạc
• Mộng thịt độ II: Mộng vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử
• Mộng thịt độ III: Mộng đã lan đến bờ đồng từ
• Mộng thịt độ IV: Mộng đã qua bờ đồng tử
Điều trị mộng thịt ở mắt
Thông thường đối với những trường hợp mộng thịt vừa mới phát triển, không có triệu chứng và không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của mắt thì không cần phải làm gì. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chú ý bảo vệ mắt và theo dõi từ 6 – 12 tháng. Phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau:
Điều trị bằng thuốc
Những bệnh nhân bị mộng thịt nhưng không ảnh hưởng đến thị lực hoặc vận động của mắt có thể được điều trị các triệu chứng bằng các loại thuốc nhỏ, thuốc mỡ. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên thăm khám để được bác sĩ kê đơn loại thuốc phù hợp. Nếu người bệnh có các triệu chứng như rát, đỏ mắt hay khó chịu sẽ được chỉ định sử dụng thêm nước mắt nhân tạo, giúp bôi trơn và làm giảm các triệu chứng.
Thuốc nhỏ mắt thường dùng để điều trị kích ứng nhẹ và làm dịu giác mạc. Đối với tình trạng nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt steroid trong thời gian ngắn và phải được bác sĩ chỉ định liều lượng, tần suất nhỏ. Loại thuốc này chỉ làm giảm các triệu chứng và không phải là thuốc chữa bệnh.
Bảo vệ chống bức xạ tia cực tím
Nếu mộng thịt nhỏ, không đau và không gây ra các vấn đề về thị lực, người bệnh nên đội mũ và đeo kính râm khi tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời. Việc bảo vệ mắt khỏi bức xạ tia cực tím sẽ ngăn sự phát triển của mộng thịt. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các loại kính râm giúp che chắn mắt khỏi tia cực tím chiếu vào mắt.
Điều trị bằng phẫu thuật
Việc áp dụng các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt được bác sĩ nhãn khoa chỉ định trong các trường hợp như sau:
- Bệnh nhân bị loạn thị gây suy giảm thị lực
- Trường hợp bị chắn trục thị giác
- Khối mô thịt tăng trưởng nhanh có nguy cơ làm ảnh hưởng đến trục thị giác
- Mộng thịt làm hạn chế vận động của mắt
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ của mắt và xuất hiện kích ứng nghiêm trọng
Tổng kết, mộng thịt ở mắt tiến triển chậm và hầu như không gây nguy hiểm đối với mắt, tuy nhiên, nếu để lâu, mộng sẽ lan rộng và che kín con ngươi (lòng đen) gây cản trở tầm nhìn của người có mộng thịt cũng như ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bệnh viện TNCK Mắt Quốc tế DND-Hải Dương là một trong những bệnh viện hàng đầu về điều trị và phẫu thuật mộng thịt, quý khách hàng có nhu cầu muốn tư vấn và phẫu thuật, vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN TNCK MẮT QUỐC TẾ DND HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: 250 Trường Chinh, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương
Hotline: 089 903 40 34
Fanpage: https://www.fb.com/HaiDuong.matquocte.vn
Website: https://haiduong.matquocte.vn/