Mộng mắt là nếp tăng sinh của kết mạc nhãn cầu, hình tam giác, bò vào giác mạc. Tuy nhiên, mộng không phải lúc nào cũng hình tam giác. Có mộng đầu không nhọn mà là hình thang.
Mộng được chia thành 4 mức độ. Độ 1, đầu mộng chớm bò vào giác mạc; độ 2, đầu mộng bò sâu hơn nhưng chưa vào diện đồng tử. Độ 3, đầu mộng bò vào diện đồng tử và độ 4, đầu mộng bò vượt cả diện đồng tử.
Mộng còn được chia ra đơn và kép. Mộng đơn chỉ có ở một phía (từ phía mũi đi vào hoặc từ phía tai đi vào). Với mộng kép, cả hai phía trong và ngoài của giác mạc đều có mộng bò vào.
Ảnh hưởng của mộng đến thị lực
Ngoài việc làm mất mỹ quan, mộng còn có các tác hại khác, đáng ngại hơn là bò vào che con ngươi, làm giảm thị lực; hạn chế động tác liếc mắt; co kéo làm méo giác mạc, gây loạn thị; cộm vướng khi chớp mắt.
Mộng cũng khiến bụi và dị vật vào khe mi và giữ chúng lại; hoặc kết hợp với viêm kết mạc, gây cương tụ, phù nề làm bệnh thêm nặng. Về già, bệnh nhân dễ đục thủy tinh thể, cùng một lúc phải lo mổ mộng và thủy tinh thể, rất phiền toái.
Hướng điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân có mộng đó là phẫu thuật loại bỏ mộng.
Cách phòng chống mộng mắt:
– Duy trì thói quen sử dụng kính bảo hộ khi đi đường, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi.
– Dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý vệ sinh mắt mỗi ngày
– Khám mắt định kỳ 6 tháng/1 lần để tầm soát và điều trị các bệnh lý tại mắt