Những biến chứng về đáy mắt luôn rình rập khiến những người cận thị có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.
Người có độ cận thị cao (trên 6 đi ốp) không chỉ gặp phải những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bong võng mạc vì biến chứng của cận thị cao
Nguyễn Hoài Nam (ờ Hà Đông, Hà Nội), sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội bị cận thị phải đeo kính từ thời cấp 2. Hiện tại, hai mắt của Nam bị cận rất nặng lên tới 10 đi ốp, khiến mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào cặp kính.
Trong khi đó, công việc nghề y đòi hỏi mắt phải hoạt động rất nhiều nên Nam quyết định lựa chọn phẫu thuật để điều trị dứt điểm cận thị.
Tuy nhiên, khi khám chuyên sâu trước phẫu thuật, Nam bất ngờ khi bác sĩ kết luận vì cận thị cao nên mắt của Nam đã có biến chứng ở đáy mắt. Cụ thể, mắt trái đã bị bong võng mạc, thị lực gần như mất hoàn toàn (đếm ngón tay chỉ nhìn được ở khoảng cách nửa mét), mắt phải may mắn vẫn bình thường.
Nam được bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật điều trị bong võng mạc càng sớm càng tốt và tiến hành laser bổ sung dự phòng cho mắt phải để giảm nguy cơ biến chứng. Sau khi điều trị xong tổn thương ở đáy mắt, người bệnh mới có thể phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.
Là người trực tiếp khám cho bệnh nhân Nam, thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh, Trưởng khoa phẫu thuật, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND, cho biết: “Nam không biết mắt mình bị bong võng mạc vì không đi khám định kỳ, không đeo kính đúng số nên nghĩ rằng mắt bị mờ đơn giản là do tăng độ cận thị. Sau 2 tuần phẫu thuật điều trị bong võng mạc, thị lực mắt trái đã phần nào hồi phục. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là mắt đã từng có biến chứng, nên sau khi phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, mắt của Nam không thể đạt thị lực 9/10 hoặc 10/10, mà kết quả chỉ đạt khoảng 50% so với những người có độ cận bình thường”.
Do đó, thạc sĩ Quỳnh lưu ý những người có cận thị cao phải đặc biệt chú ý tới những biểu hiện như ruồi bay hoặc mắt nhìn thấy chớp sáng. Đó là những dấu hiệu quan trọng cho thấy bệnh nhân đã có tổn thương ở đáy mắt, cần phải đến cơ sở chuyên khoa uy tín để kiểm tra ngay.
“Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người cận thị cao có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn”, thạc sĩ Quỳnh khuyến cáo.
Lưu ý vàng khi mắc cận thị cao
Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND – cũng cho hay cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp ở mắt và ngày càng gia tăng trong bối cảnh hiện đại.
Tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt nam chiếm khoảng từ 15-40% dân số, tương ứng khoảng từ 14-36 triệu người mắc. Khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao.
“Khi phát hiện có những tổn thương ở đáy mắt, người bị cận thị cao cần tăng tần suất khám mắt định kỳ (khoảng 3 tháng/lần). Ngoài ra, những người có độ cận từ 10-15 đi ốp cần hạn chế tối đa vận động mạnh, không chơi những môn thể thao đòi hỏi dùng sức nhiều như bóng đá, bóng rổ, chạy hay các môn thể thao đối kháng”, bác sĩ Dũng khuyến nghị.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân cận thị cao nói chung và có tật khúc xạ nói riêng luôn phải tuân thủ lịch khám 3-6 tháng/lần để đeo kính đúng số và kiểm soát biến chứng ở đáy mắt. Trẻ nhỏ có thể sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho – K để duy trì hạn chế tăng số kính, giúp kiểm soát tình trạng khúc xạ. Người trưởng thành thì có thể tìm hiểu các phương pháp phẫu thuật điều trị dứt điểm tật khúc xạ.
“Để lựa chọn được chính xác phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất, bệnh nhân cần phải tiến hành khám chuyên sâu. Thông qua quá trình khám bác sĩ sẽ kiểm tra được các thông số về khúc xạ, chiều dày giác mạc, tình trạng đáy mắt và toàn nhãn cầu, từ đó sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật tối ưu nhất trên từng bệnh nhân. Để giảm thiểu biến chứng đáy mắt, bệnh nhân nên tiến hành thêm laser bổ sung”, thạc sĩ Quỳnh cho biết.