Kính áp tròng hiện nay vừa là phụ kiện thời trang, vừa là phương án hỗ trợ thị lực cho những người mắc tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị. Nhiều người cho rằng đeo kính áp tròng đẹp và tiện lợi hơn kính gọng lại an toàn hơn phẫu thuật điều trị TKX. Tuy nhiên, kính áp tròng chỉ là giải pháp tạm thời, không những vậy, nếu quá lạm dụng kính áp tròng, có thể gây nguy hại cho mắt.
Cẩn trọng khi sử dụng kính áp tròng
Đến Bệnh viện Mắt Quốc tế DND khám trong tình trạng 02 mắt đỏ ngầu, mắt bị khô và đau kéo dài gần 2 tuần, chị P.Hoa 29 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) giáo viên trường Đoàn Thị Điểm cho biết: “Tôi bị cận khá nặng, mỗi bên mắt khoảng 7 Diop. Tôi thường xuyên sử dụng kính áp tròng vì kính gọng khá vướng víu trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những dịp phải đưa các bạn học sinh ra ngoài dã ngoại, hoạt động nhiều. 2 tuần trở lại đây, tôi thấy mắt có hiện tượng khó chịu và đau, tôi có đi khám nhiều nơi và tra thuốc nhỏ mắt nhưng không khỏi. Đến bệnh viện Mắt Quốc tế DND, bác sĩ kết luận tôi bị viêm kết mạc cấp kéo dài, nguyên nhân do kích ứng với kính áp tròng”.
Ths.BS Phạm Thị Hằng, Phó trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết: “Rất nhiều trường hợp như P.Hoa sử dụng kính áp tròng thường xuyên thay cho kính gọng, nhưng sử dụng không đúng cách dẫn đến tổn thương mắt. Kính áp tròng cận bao gồm kính cứng và kính mềm để sử dụng ban ngày và kính áp tròng ban đêm Ortho – K. Kính áp tròng phù hợp cho những bạn có TKX nhưng hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, hoặc những bạn chưa đủ điều kiện phẫu thuật, chưa muốn phẫu thuật hoặc những trường hợp bị biến dạng giác mạc như sẹo, đục, bệnh giác mạc hình chóp”.
Ưu điểm của kính áp tròng là tính thẩm mỹ cao, hợp thời trang, có thể thay đổi màu mắt. Không hạn chế tầm nhìn hay làm cho hình ảnh bị méo mó. Không gây vướng víu khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh.
Tuy nhiên, Bác sĩ Hằng nhấn mạnh. Nếu sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài, dùng sai cách hay không vệ sinh kính thường xuyên có thể xuất hiện những biến chứng như khô mắt từ nhẹ đến nặng, hội chứng đỏ mắt cấp tính, viêm kết mạc, phù và viêm biểu mô giác mạc, tân mạch giác mạc…Nếu những triệu chứng này không được khắc phục, có thể xảy ra tổn thương xâm lấn vào sâu trong giác mạc, dẫn tới trợt – loét giác mạc rất khó điều trị. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về bảo quản và sử dụng kính để tránh viêm nhiễm.
Giải pháp điều trị TKX không biến chứng, đảm bảo tính thẩm mỹ mà không phải sử dụng kính áp tròng
Ths.BS Phạm Thị Hằng cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng sử dụng kính áp tròng thay cho kính gọng bởi tính tiện dụng và thẩm mỹ. Nhưng phẫu thuật mới là phương pháp được nhiều bác sỹ cũng như bệnh nhân trên 18 tuổi lựa chọn để có thể điều trị dứt điểm TKX”.
Mới đây, Viện Mắt Hamilton thuộc Đại học Trung tâm Khoa học Sức khỏe Tennessee tại Hoa Kỳ đã tổng hợp thông tin các ca viêm giác mạc vi khuẩn (microbial keratitis) do đeo kính áp tròng và so sánh với tỷ lệ biến chứng xảy ra khi phẫu thuật khúc xạ. Kết quả cho thấy, bệnh nhân đã phẫu thuật chỉnh tật khúc xạ thường an toàn và ít gặp phải biến chứng hơn so với bệnh nhân dùng kính áp tròng lâu năm.
Nghiên cứu của Viện Mắt Hamilton còn chỉ ra rằng, trong khi phẫu thuật khúc xạ chỉ đi cùng với nguy cơ viêm nhiễm một lần trong đời, thì tỷ lệ bệnh nhân đeo kính áp tròng gặp biến chứng sau 5 năm sử dụng là 11/10.000. Với các phẫu thuật khúc xạ như Lasik, Femto-Lasik, hay SmartSurf ACE tỉ lệ biến chứng là 1/10.000. Với phẫu thuật không tạo vạt ReLEx SMILE, tỷ lệ này còn gần như không tồn tại.
Hiện nay, tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND đang áp dụng những phương pháp phẫu thuật không dùng dao như ReLEx SMILE, Femto-Lasik. Phương pháp phẫu thuật không chạm SmartSurf ACE. Các phương pháp Laser hiện đại này đều không sử dụng dao vi phẫu mà thay vào đó là các loại Laser có tính chính xác cao giúp cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, nhẹ nhàng và thoải mái. Thị lực phục hồi nhanh chóng trong 24 giờ sau mổ và gần như không có biến chứng về vạt giác mạc.
Xét về chi phí điều trị TKX, phẫu thuật bằng những phương pháp hiện đại nhất hiện nay mất một số tiền tương đối lớn nhưng có thể điều trị dứt điểm TKX. Ngược lại, sử dụng kính áp tròng và phụ kiện đi kèm chỉ là giải pháp tạm thời, và nếu cộng gộp nhiều năm thì chi phí cao hơn phẫu thuật rất nhiều.