Cặp mắt giúp con người quan sát và kiểm soát môi trường chung quanh. Con người có khả năng dùng mắt để liên hệ, trao đổi thông tin thay lời nói. Mỗi người chỉ có một đôi mắt và hiện nay khoa học chưa tìm ra phương pháp ghép cấy mắt nếu có tổn thương nghiêm trọng. Chính vì vậy mỗi người nên nâng niu đôi mắt của mình hết sức nghiêm túc. Sau đây mời các bạn cùng tham khảo các bệnh về mắt thường gặp.
1 – Các bệnh lý dẫn tới bong võng mạch
Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới võng mạc phải kể đến bong võng mạc và tổn thương võng mạc do các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, cận thị cao… Khi võng mạc bị bong, thị lực sẽ yếu dần hoặc mất hoàn toàn.
Nguyên nhân dẫn tới bong võng mạc là do dịch lỏng tràn vào các hố hoặc nước mắt trong võng mạc, chia tách võng mạc khỏi các lớp phía dưới. Các đốm đen tăng dần và đốm sáng loé bất chợt là triệu chứng có thể liên quan tới bong võng mạc.
Các dấu hiệu liên quan tới bong võng mạc
– Các đốm đen, vẩn đục hay dải mờ trước mắt tăng đột biến.
– Khi nhìn sự vật cảm thấy méo mó, đường thẳng thành đường cong.
– Mờ một phía hoặc một góc ở mắt, nặng hơn có thể nhìn mờ hoàn toàn.
Tổn thương võng mạc do tiểu đường, tăng huyết áp, cận thị cao… sẽ dẫn tới huỷ hoại các mạch máu li ti bên trong võng mạc, dẫn đến mù loà.
2 – Glôcôm (cườm nước hay tăng nhãn áp)
Bệnh Glôcôm có nhiều dạng khác nhau, còn được gọi là thiên đầu thống hay cườm nước. Bệnh khiến cho áp suất của mắt bị tăng lên, ảnh hưởng xấu đến thị lực, thậm chí là mất thị lực nếu không được điều trị sớm.
Giữa thủy tinh thể và giác mạc có một lớp chất lỏng gọi là thủy dịch. Các chất dịch này được luân chuyển ra khỏi mắt qua kênh thoát dịch nhỏ. Khi thủy dịch bị dồn ứ lại, do hệ thống thoát bị tắc nghẽn, sẽ dẫn đến tăng nhãn áp, gây tổn thương đến dây thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mù loà.
Nguyên nhân gây bệnh Glôcôm không rõ ràng, khi có dấu hiệu bất thường ở thị lực, cần theo dõi nếu có những triệu chứng sau:
– Người trên 60 tuổi có nguy cơ cao phát triển bệnh Glôcôm.
– Người Đông Á bị bệnh Glôcôm nhiều hơn các chủng tộc khác.
– Là hậu quả của các tình trạng khác ở mắt như bong võng mạc, viêm nhiễm, khối u trong mắt…
– Glôcôm có thể là biến chứng sau phẫu thuật mắt.
– Glôcôm có thể là tác dụng phụ của việc lạm dụng thuốc thuộc nhóm corticoids, kháng sinh…
Các phương pháp điều trị bệnh Glocom bao gồm sử dụng thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật
3 – Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là tình trạng thể thủy tinh tự nhiên trong mắt bị đục do nhiều nguyên nhân. Thể thủy tinh bị đục ngăn không cho ánh sáng đến võng mạc, dẫn tới giảm thị lực, nhìn mờ, thấy chấm đen trước mắt, màu sắc thay đổi, lóa mắt trước ánh sáng mạnh.
Đục thủy tinh thể tiến triển chậm, không có các triệu chứng kèm theo như đau nhức hay đỏ mắt. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại Việt Nam và trên thế giới.
Phẫu thuật Phaco là phương pháp điều trị thủy tinh thể bằng cách dùng năng lượng siêu âm tán nhuyễn thể thủy tinh bị đục mờ rồi hút ra ngoài qua vết mổ nhỏ, không cần khâu và thay vào đó một thể thủy tinh nhân tạo phù hợp.
4 – Bệnh liên quan đến tuyến giáp
Thyroid Eye Disease (TED) là bệnh về mắt do tuyến giáp vốn chịu trách nhiệm điều khiển trao đổi chất của cơ thể gây nên. Bệnh nhân bị TED thường thấy hoa mắt, nhãn cầu lồi ra, mí mắt sưng vù và thị lực mờ hoặc nhìn một hoá hai. Đôi khi, mắt đỏ, chảy nước mắt và cảm giác có sạn trong mắt cũng sẽ xuất hiện. Bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật nhằm giảm bớt sức ép để nhãn cầu bớt lồi.
5 – Chăm sóc mắt ra sao nhằm đối phó các bệnh trên?
Khám mắt định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm và tăng khả năng chữa khỏi các bệnh về mắt. Khi đi ra ngoài, đeo kính râm để bảo vệ mắt ra khỏi tia UV và giảm thiểu nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
Luôn đọc sách báo dưới ánh sáng tốt để tránh căng thẳng cho mắt. Cứ 20 đến 30 phút nhìn màn hình, nên cho mắt nghỉ bằng cách nhìn ra nơi khác hoặc nhìn vật thể ở xa.