Khi các thiết bị công nghệ đang ngày càng phổ biến vào ngày nay thì kéo theo không ít những vấn đề liên quan đến mắt xảy ra. Trong đó có hội chứng thị giác màn hình là một hội chứng mà thường không được tìm hiểu rõ, dẫn đến mắt ngày càng yếu đi. Vậy hội chứng thị giác màn hình là gì?
Hội chứng thị giác màn hình là gì?
Hội chứng thị giác màn hình hay còn gọi là mỏi mắt kỹ thuật số, hội chứng CVS (Computer Vision Syndrome) bao gồm các hội chứng liên quan đến thị lực như: kích ứng mắt, mờ mắt và đau đầu và các triệu chứng, bệnh lý của mắt liên quan đến việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị màn hình điện tử như: điện thoại, máy tính, máy tính bảng, TV,…
Dưới sự phát triển của công nghệ, hội chứng này đang có xu hướng gia tăng, ngày càng có nhiều người gặp phải các khó chịu ở mắt và các vấn đề về thị lực khi họ nhìn vào các thiết bị kỹ thuật số trong thời gian dài. Mức độ khó chịu tỷ lệ thuận với thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại. Hội chứng thị giác màn hình tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng mang đến nhiều cảm giác khó chịu cho người mắc phải, ảnh hưởng sinh hoạt thường nhật, giảm chất lượng sống. Việc điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, tuy nhiên về lâu dài, các triệu chứng tái phát có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc và cả đời sống cá nhân của người bệnh.
Nguyên nhân mắc hội chứng thị giác màn hình là gì?
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển dẫn tới ngày càng có nhiều người mắc phải hội chứng thị giác màn hình. Thời gian nhìn vào màn hình càng dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Dù bạn dành nhiều thời gian để xem ti vi hay đọc sách giấy thì mắt vẫn cần hoạt động với một cường độ cao, tuy nhiên ánh sáng xanh từ màn hình điện tử có thể đem đến nhiều tác động xấu đến mắt:
- Mắt điều tiết liên tục: sử dụng màn hình điện tử sẽ làm mắt liên tục lấy nét. Mắt điều tiết quá mức sẽ dễ bị khô và mệt mỏi.
- Mức độ tương phản của màn hình: màn hình điện tử có độ tương phản thấp giữa chữ và nền, làm mắt hoạt động liên tục.
- Ít chớp mắt: thông thường mỗi phút chúng ta chớp mắt khoảng từ 18 – 22 lần để bôi trơn và giữ ẩm cho mắt. Nhưng khi sử dụng máy tính, hầu hết mọi người chỉ chớp mắt từ 3 – 7 lần mỗi phút. Điều này dễ làm cho mắt bị khô, là tác nhân hàng đầu gây kích ứng và các bệnh về mắt.
- Mắt có tật khúc xạ
- Vị trí đặt máy tính không đúng
- Sử dụng điện thoại thường xuyên
- Ngồi sai tư thế khi sử dụng thiết bị công nghệ
Người mắc bệnh khô mắt, các tật khúc xạ như cận thị hoặc người mắc các bệnh về mắt ảnh hưởng đến khả năng tập trung của mắt có nhiều nguy cơ phát triển hội chứng thị giác CVS hơn.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ra hội chứng thị giác màn hình là do mắt bị tác động bởi ánh sáng nguy hiểm, được gọi là ánh sáng xanh (vùng ánh sáng nhìn thấy trong phổ quang học có bước sóng từ 450nm đến 495nm) phát ra từ các thiết bị màn hình như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi,… hoặc ánh sáng nguy hiểm từ đèn LED, đèn huỳnh quang.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng thị giác màn hình
Khi có một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây, rất có thể bạn đã mắc phải hội chứng thị giác màn hình:
- Nhìn mờ: Làm việc trong thời gian dài với máy tính khiến mắt phải tập trung, di chuyển liên tục, cùng với sự tấn công của ánh sáng xanh nguy hạiphát ra từ màn hình khiến mắt bị suy giảm thị lực.
- Khô mắt: Chớp mắt giúp nước mắt tiết ra và giữ độ ẩm trên bề mặt. Tuy nhiên, khi làm việc tập trung với máy tính, mắt chỉ chớp 6 lần mỗi phút (so với trung bình phải 14 lần/ phút). Quên chớp mắt khiến nước mắt không đủ để cung cấp lên bề mặt dẫn đến khô mắtvà kích ứng.
- Nhức mỏi mắt: Làm việc nhiều với máy tính, mắt ít có thời gian nghỉ ngơi khiến đôi mắt trở nên nhức mỏi, đờ đẫn.
- Nhức đầu: Nhức đầu cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng thị giác màn hình. Khoảng cách quá gần giữa mắt và màn hình máy tính khiến việc điều tiết của cơ mắt đạt đến cực hạn và dễ gây ra cảm giác đau nhức đầu và mệt mỏi.
- Nhìn đôi (Song thị): Song thị là hiện tượng nhìn 1 vật nhưng lại thấy 2 hình ảnh (xuất hiện 1 hình ảnh mờ hơn hình ảnh thật bên cạnh) do cơ mắt bị suy yếu hoặc dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
- Đau cổ, vai gáy: Khi mắc hội chứng thị giác màn hình, mắt thường bị mờ và người bệnh có xu hướng điều chỉnh cổ, lưng để nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến người bệnh bị đau cổ, đau lưng và mỏi vai gáy.
- Khó tập trung, mệt mỏi: Hội chứng thị giác màn hình gây ra những dấu hiệu khó chịu ở mắt, khiến mắt mờ, mỏi; đau đầu, đau cổ; cơ thể mệt mỏi và uể oải từ đó người bệnh khó có thể tập trung để hoàn thành công việc.
Những đối tượng dễ mắc phải hội chứng thị giác màn hình
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị hội chứng thị giác màn hình (suy giảm thị lực) đến 90%. Với đặc thù công việc phải tiếp xúc với màn hình máy tính từ 8 – 10 tiếng mỗi ngày, dân văn phòng là đối tượng mắc hội chứng thị giác màn hình nhiều nhất. Ngoài ra, việc ngồi ì một chỗ trong thời gian dài, làm việc trong môi trường thiếu không khí trong lành còn kéo theo nhiều bệnh lý khác về mắt, cột sống, tim mạch…
Các cách phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình
Điều chỉnh vị trí ngồi
- Màn hình máy tính nên để thấp hơn tầm mắt, khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính nên vào khoảng 50 – 70cm. Màn hình cũng nên dựng thẳng trước mặt thay vì lệch sang một bên để giảm mỏi mắt. Tâm của màn hình phải thấp hơn mắt khoảng 10 – 20cm để cổ được thư giãn và giảm diện tích mắt tiếp xúc với không khí, sẽ làm giảm cảm giác khô và ngứa.
- Ngồi thẳng lưng, tránh tư thế chồm người về phía trước.
- Cải thiện tư thế bằng cách sử dụng thiết bị có thể điều chỉnh để giảm căng thẳng cho lưng, cổ, vai và mắt. Điều chỉnh độ cao của ghế sao cho đầu gối cong một góc 90 độ với bàn chân đặt phẳng trên sàn hoặc chỗ để chân. Ngồi thẳng lưng vào tựa lưng, cẳng tay đặt trên tay vịn và khuỷu tay uốn cong một góc 90 độ. Bàn phím và chuột phải được đặt ở vị trí thấp hơn khuỷu tay và trong tầm tay dễ dàng tiếp cận. Đầu nên hơi nghiêng xuống khi nhìn vào giữa màn hình máy tính.
- Nên đặt tài liệu tham khảo càng gần màn hình càng tốt. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu liên tục lấy nét lại của mắt cũng như nhu cầu lắc đầu qua lại giữa tài liệu và màn hình. Sử dụng giá đỡ tài liệu bên cạnh màn hình sẽ giảm thiểu chuyển động của đầu và mắt cũng như những thay đổi về tiêu điểm, đồng thời sẽ giảm mỏi cơ, đau đầu và mỏi mắt.
Điều chỉnh ánh sáng và độ chói
- Điều chỉnh ánh sáng phòng để giảm tác động lên màn hình máy tính. Tránh tình trạng phòng bật đèn hoặc ánh sáng mặt trời từ ngoài hắt vào, ánh sáng chói mắt gây ra sự phản chiếu, ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt.
- Sử dụng thêm bộ lọc chói màn hình để giảm lượng ánh sáng phản chiếu từ màn hình.
- Điều chỉnh độ sáng của màn hình và độ chênh lệch màu sắc giữa màn hình và văn bản để mang lại cảm giác thoải mái nhất cho mắt.
Cho mắt nghỉ ngơi
- Áp dụng biện pháp 20 – 20 – 20: sau mỗi 20 phút tiếp xúc với màn hình điện tử, bạn nên dừng lại và nhìn vào 1 điểm cách xa khoảng 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây.
- Cho mắt và cơ thể nghỉ ngơi thường xuyên khi làm việc trên máy tính để giảm mỏi mắt và cơ bắp. Vì việc sử dụng máy tính kéo dài đòi hỏi một người phải ngồi một tư thế trong thời gian dài nên việc dành thời gian để đứng, duỗi người và nhìn xung quanh không chỉ giúp ích cho cơ bắp mà còn giúp mắt có cơ hội thư giãn. Nếu không thường xuyên có cơ hội đứng dậy để nghỉ giải lao hoàn toàn, thì những lần nghỉ giải lao “nhỏ” sẽ đủ bằng cách nhìn từ máy tính ra xa khoảng 15 phút một lần. Thường xuyên chớp mắt hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt cũng sẽ giúp mắt không bị khô và ngứa.
Chớp mắt thường xuyên
Chớp mắt thường xuyên giúp làm tăng độ ẩm và bôi trơn bề mặt mắt. Nếu bạn không chớp mắt thường xuyên, mắt bạn có thể bị khô và kích ứng nhiều hơn. Nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại có thể khiến bạn chợp mắt ít hơn so với bình thường. Do vậy, hãy cố gắng nhớ chớp mắt thường xuyên khi sử dụng máy tính hoặc thiết bị kỹ thuật số để mắt được nghỉ ngơi, bôi trơn, từ đó ngăn ngừa và làm giảm hội chứng thị giác màn hình.
Tập các bài tập tốt cho mắt
Để giảm nguy cơ mỏi mắt do liên tục tập trung vào màn hình, hãy rời mắt khỏi máy tính ít nhất 20 phút một lần và nhìn vào một vật ở xa (cách xa ít nhất 20 feet) hoặc nhìn ra ngoài không gian rộng trong ít nhất 20 giây. Đây chính là “quy tắc 20-20-20”. Việc nhìn ra xa giúp thư giãn các cơ mắt để giảm mệt mỏi. Một bài tập khác là nhìn xa một vật trong vòng 10 – 15 giây, sau đó nhìn vào vật ở gần trong 10 – 15 giây, rồi lại nhìn vật ở xa, thực hiện điều này 10 lần. Bài tập này sẽ giúp luyện điều tiết, tránh mắt bị co quắp điều tiết do nhìn gần vào màn hình máy tính quá lâu.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt
Sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ hỗ trợ điều tiết cho mắt sẽ góp phần giữ ẩm và giúp cho đôi mắt của bạn đỡ mỏi. Bạn có thể mua một số loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn (OTC) để giúp làm giảm các triệu chứng khô mắt. Nếu mắt bạn vẫn bị khô hoặc kích ứng sau khi thử thuốc nhỏ OTC, hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa của bạn để được kê loại thuốc riêng.
Khám mắt định kỳ
- Chớp mắt thường xuyên sẽ giúp giữ ẩm cho mắt. bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo nếu mắt quá khô.
- Thăm khám mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa để được kiểm tra hiện trạng mắt thường xuyên, giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm sự phát triển của các triệu chứng liên quan đến hội chứng thị giác màn hình.
Các cách điều trị hội chứng thị giác màn hình
Sử dụng kính mắt phù hợp
Nếu bạn đang sử dụng kính mắt, hãy chắc chắn rằng bạn đang đeo kính đúng với đơn thuốc, đúng độ. Việc đeo kính sai với đơn thuốc có thể khiến mắt bạn khó tập trung chính xác. Điều này làm tăng nguy cơ mỏi mắt và nhức đầu.
Kính mắt
Đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được khám và đo mắt là bước đầu tiên trong việc nâng cao hiệu quả của thiết bị hỗ trợ quang học trong việc loại bỏ các triệu chứng của CVS. Thói quen sinh hoạt và làm việc với máy tính của người bệnh sẽ giúp bác sĩ tìm ra đơn thuốc phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân. Ngoài ra, bác sĩ nhãn khoa có thể chẩn đoán xem liệu một bệnh nghi ngờ khác có phải là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng nhất định hay không và đề xuất các phương án điều trị.
Khi đeo kính, quang tâm của mỗi thấu kính được đặt ngay trước mắt. Nếu kính trượt xuống mũi, quang tâm sẽ dịch chuyển xuống dưới giữa mắt, làm mờ tầm nhìn và khiến mắt dễ mỏi hơn. Tránh để kính bị trượt xuống mũi sẽ làm mắt phải điều tiết nhiều hơn và gây căng cổ.
Người dùng kính 2 tiêu điểm, 3 tiêu điểm, cần đặc biệt chú ý đến độ vừa vặn của kính. Bản chất của kính sẽ khiến người đeo khó nhìn thẳng mọi thứ ở phía trước và ở khoảng cách 1 sải tay, thường là vị trí của màn hình máy tính.
Do đó, những người sử dụng các thiết bị hỗ trợ quang học đặc biệt này thậm chí còn xuất hiện nhiều triệu chứng liên quan đến CVS hơn, đặc biệt là mỏi mắt, cổ và các vấn đề về khả năng tập trung.
Để giảm các triệu chứng hội chứng thị giác màn hình này, có thể cần phải tăng chiều cao của kính hai tròng, điều chỉnh độ sáng của thấu kính hoặc kính đặc biệt được thiết kế dành riêng cho sử dụng máy tính có thể cần phải được bác sĩ nhãn khoa chỉ định.
Kính áp tròng
Người đeo kính áp tròng cần nhớ thường xuyên chớp mắt khi làm việc với máy tính. Việc sử dụng máy tính khiến tỷ lệ chớp mắt giảm xuống gần 1/3 so với mức bình thường, trong khi ánh mắt nhìn thẳng về phía trước để nhìn vào màn hình sẽ khiến mắt tiếp xúc với không khí nhiều hơn.
Điều này khiến mắt bị khô và ngứa nhanh hơn nhiều so với bình thường, đặc biệt là khi đeo kính áp tròng trên giác mạc. Nếu chớp mắt thường xuyên không đủ để loại bỏ tình trạng khô và ngứa, bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt dành riêng cho kính áp tròng.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
BỆNH VIỆN TNCK MẮT QUỐC TẾ DND HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: 250 Trường Chinh, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương
Hotline: 0899 034 034
Fanpage: https://www.fb.com/HaiDuong.matquocte.vn
Website: https://haiduong.matquocte.vn/