Chắp và lẹo là các chứng sưng không lây nhiễm thường gặp ở mi mắt. Chắp và lẹo là hai dạng khác biệt nhưng hay bị nhầm lẫn với nhau. Bệnh nhân dễ bị chắp và lẹo nếu có tiền sử bị viêm mí mắt, da mụn viêm đỏ, viêm da dầu, tiểu đường và một số bệnh khác.
1) Lẹo là gì?
Lẹo (hordeolum) là chứng viêm cấp tính do nhiễm trùng ở mi mắt do tụ cầu khuẩn gây nên. Lẹo thường xuất hiện sát bờ mi khiến mi mắt sưng đỏ, ngứa và đau nhức. Tại chỗ đau sưng lên khối mủ đỏ nhìn như mụn nhọt hay u nhỏ. Lẹo sẽ xẹp sau khi vỡ mủ nhưng về sau có thể tái xuất hiện ở vị trí khác trên mắt.
Có hai loại lẹo:
– Lẹo ngoài mí mắt: Lẹo mọc bên ngoài bờ mi. Hầu hết do nhiễm trùng từ tuyến Zeis.
– Lẹo trong mí mắt: Lẹo mọc bên trong bờ mi. Hầu hết do nhiễm trùng từ tuyến meibomian.
2) Chắp là gì?
Chắp (chalazion) là chứng sưng phù trên mi mắt. Khác với lẹo hình thành do viêm nhiễm, chắp hình thành do tắc nghẽn tuyến dầu trên mi mắt. Chỗ bị chắp nếu sưng quá to có thể khiến mắt bị mờ. Thông thường, chắp sưng trên mắt từ 2 đến 8 tuần, ít khi có trường hợp lâu hơn.
Chắp dễ bị nhầm với lẹo, nhưng chắp thường sưng to hơn lẹo và ít đau hơn nhiều, thậm chí là không đau.
Nếu lẹo (do viêm nhiễm) trong mí mắt không lành và xẹp hẳn, chỗ sưng có thể bị tắc và biến chứng thành chắp.
3) Nhận biết lẹo và chắp
Lẹo (hordeolum) | Chắp (chalazion) |
Sưng đỏ và khá đau ở mi mắt. Thường tạo thành nốt sưng đỏ vừa phải ở giữa mi mắt. Có cảm giác cộm như có sạn trong mắt. Nhạy cảm với ánh sáng. Chảy nước mắt và rỉ dịch. |
Chắp sưng to hơn lẹo nhưng thường là ít đau và có thể là không đau. Đôi khi, chắp có thể sưng to đến mức trông như một u lớn che hết tầm nhìn của mắt. |
4) Cách điều trị lẹo và chắp tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của tổn thương
– Chườm nóng nhằm giảm đau ở các chỗ lẹo và chắp: Dùng khăn sạch hoặc bông dùng một lần nhúng vào nước rất ấm hoặc nước muối ấm. Đặt lên mi mắt từ khoảng 10 phút, mỗi ngày từ 3-5 lần. Độ ấm sẽ giúp giảm viêm và giảm tắc nghẽn ở tuyến dầu trên mí mắt. Có thể mát xa nhẹ nhàng vùng quanh mắt.
– Dùng thuốc nhỏ mắt/thuốc mỡ kháng sinh chuyên trị lẹo và chắp để giảm viêm/sưng.
– Tiêm steroid vào chỗ sưng để giảm đau và sưng tấy theo chỉ định của bác sĩ.
– Nếu chỗ lẹo và chắp không tan đi sau một thời gian dài, phải tới bác sĩ để chích nạo thật sạch các chất nhầy và mủ để tránh tái phát.
5) Chú ý khi bị chắp và lẹo:
– Rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng mắt để tra thuốc.
– Không trang điểm vùng mắt hoặc dùng kính sát tròng khi đang bị lẹo và chắp.
– Tuyệt đối không tự ý chữa lẹo và chắp bằng cách nặn mủ hay tra thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ. Làm như vậy có thể khiến tình trạng tệ hơn và lan ra phần khác trên mí mắt.
– Bệnh nhân thường xuyên bị chắp và lẹo nên đi làm sinh thiết. Xét nghiệp này có thể giúp bác sĩ nhãn khoa xác định liệu nguyên nhân thực sự có phải do tình trạng hay bệnh nào khác nghiêm trọng ở mắt.