Bong võng mạc là tình trạng võng mạc bị bong ra khỏi thành nhãn cầu. Nếu không được điều trị sớm, bong võng mạc có thể sẽ làm người bệnh mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.
Nguyên nhân gây bong võng mạc
Có hai nguyên nhân dẫn đến bong võng mạc đó là bong võng mạc nguyên phát và bong võng mạc thứ phát.
Bong võng mạc nguyên phát xuất hiện khi dịch kính trên bề mặt võng mạc bị hóa lỏng, chui qua vết rách võng mạc (do võng mạc bị thoái hóa) làm võng mạc tách khỏi hắc mạc. Thông thường, bong võng mạc nguyên phát thường xuất hiện ở người cao tuổi và người bị cận thị lâu ngày.
Bong võng mạc thứ phát có thể do bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, chấn thương vùng mắt, bệnh nhân bị bệnh viêm hắc mạc ….
Dấu hiệu của bệnh bong võng mạc
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh bong võng mạc là:
- Thấy trong mắt xuất hiện các đốm đen lơ lửng hoặc thấy các tia sáng lóe lên.
- Mắt người bệnh nhìn mờ dần, cảm thấy mảng tối che trước mắt, lấn dần về phía trung tâm.
- Nếu võng mạc bong qua hoàng điểm, bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng mắt mờ rất nặng.
Phương pháp điều trị bong võng mạc
Theo Thạc sỹ Đinh Yên Lục, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Mắt Quốc tế DND, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh bong võng mạc nguyên phát. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu như mắt nhìn mờ, trong mắt xuất hiện đốm đen, cảm thấy mảng tối che trước mắt … thì nên đi khám mắt ngay để được điều trị kịp thời. Đối với bệnh bong võng mạc, bệnh nhân càng được phẫu thuật sớm thì khả năng phục hồi thị lực càng cao.
Tuy nhiên, phẫu thuật không phải luôn thành công trong mọi trường hơp. Có thể có những trường hợp võng mạc đã áp nhưng thị lực chỉ phục hồi được một phần.
Tùy vào hình thức và mức độ bong võng mạc mà các bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn những phương pháp phẫu thuật khác nhau như: áp võng mạc bàng bơm khí nội nhãn, đai hoặc độn củng mạc, cắt dịch kính… để đảm bảo phẫu thuật thành công và an toàn nhất cho người bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh bong võng mạc
Để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của bệnh bong võng mạc bạn nên đi khám mắt thường xuyên (6 tháng/1 lần) để tầm soát các bệnh lý về mắt và có phương pháp điều trị kịp thời.
Khi mắt bạn có các dấu hiệu như thấy nhấp nháy sáng, bóng tối, mắt nhìn mờ … cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám, tư vấn và điều trị.
Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình có bệnh lý tiểu đường, cần khám sức khỏe tổng quát và khám mắt thường xuyên hơn để phòng ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thị lực.
Xem thêm tại: