1. Khiếm thị là gì?
Phân biệt định nghĩa khiếm thị và mù. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 1992, khiếm thị là thị lực dưới 6/18 (3/10) đến phân biệt sáng tối và thị trường dưới 100 từ điểm định thị.
Khiếm thị ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và giáo dục của trẻ em, và tất cả các mặt sinh hoạt hàng ngày, công việc và thời gian giải trí của người lớn.
Tỉ lệ mắc : theo thống kê trên toàn cầu năm 2002 có 124 triệu người khiếm thị, có tới 65 triệu người trong số này bị khiếm thị không phục hồi và cần được hưởng các dịch vụ về khiếm thị. Hầu hết những người bị khiếm thị là người già và ngày càng tăng nhanh do sự già hóa dân số. Con số khiếm thị ở trẻ em tuy nhỏ nhưng là gánh nặng khá lớn khi tính theo năm sống.
Các nguyên nhân thường gặp: đục thủy tinh thể, bệnh lý đáy mắt, glocom, sẹo giác mạc, tật khúc xạ, các biến chứng phẫu thuật và các nguyên nhân khác.
2. Triệu chứng của người khiếm thị
- Nhìn mờ, nhìn biến dạng cả gần và xa. Thị trường thu hẹp, giảm thị lực ban đêm. Mù màu và hoặc giảm thị lực tương phản giảm nặng.
- Giảm thị lực: là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh mắt gây ra khiếm thị. Có rất nhiều bệnh mắt gây ra: đục thủy tinh thể, giác mạc chóp, sẹo giác mạc, thoái hóa giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, nhược thị…
- Giảm thị lực tương phản: có thể xảy ra sớm ở các bệnh trong khi thị lực còn chưa bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng tối thiểu. Bệnh nhân thường rất nhạy cảm với đèn và ánh sáng chói. Nguyên nhân hay gặp do đục các môi trường trong suốt : đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, bệnh dịch kính, bệnh đáy mắt.
- Tổn hại thị trường: có thể ở trung tâm hoặc ngoại vi. Nhiều nguyên nhân gây giảm chức năng.
- Tổn hại thị trường trung tâm: thoái hóa hoàng điểm tuổi già, lỗ hoàng điểm, phù hoàng điểm, bệnh Best, loạn dưỡng hoàng điểm Stargardt…
- Tổn hại thị trường ngoại vi: ảnh hưởng đến khả năng nhận biết người phía bên. Thị lực bị giảm một phần hoặc mất hoàn toàn ở bên thị trường bị tổn hại. Nguyên nhân hay gặp: viêm võng mạc sắc tố, bệnh Glocom, mù bẩm sinh Leber, bệnh võng mạc trẻ đẻ non…
3. Điều trị
Người bệnh cần được đến các cơ sở y tế để được đánh giá tình trạng khiếm thị để tìm ra các biện pháp và các phương tiện để tăng cường thị lực chức năng còn lại. Hiện nay về cơ bản có 2 loại trợ cụ khiếm thị
- Trợ cụ quang học : gồm một hay nhiều thấu kính đặt giữa mắt và vật nhằm phóng đại ảnh trên võng mạc. Ví dụ: kính viễn vọng ( nhìn xa), kính lúp ( nhìn gần)…
- Trợ cụ phi quang học: là những dụng cụ rẻ hơn, dễ kiếm hơn mà không dùng đến thấu kính quang học. Đó là dạng sử dụng công nghệ để hỗ trợ giúp nhìn rõ vật hơn bằng cách tăng kích thước, vị trí, hình dạng, màu sắc và độ tương phản. Máy phóng đại (máy tính, tivi), sách in cỡ chữ to, kính lọc màu…
Thực hiện các chức năng thị giác đóng vai trò rất ý nghĩa về việc đẩy mạnh cuộc sống độc lập của người khiếm thị để người bệnh có thể hòa nhập vào cuộc sống.