Gần đây, nhiều trung tâm quảng cáo chữa tật khúc xạ chỉ cần tháo kính bằng các biện pháp tập luyện. Nhiều gia đình đã bỏ hàng chục triệu đồng với hi vọng “tháo kính” cho con. Vậy những biện pháp trên có tác dụng trong điều trị tật khúc xạ không?
Các phương pháp luyện tập không thể chữa dứt điểm TẬT KHÚC XẠ
Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết, trên thế giới, quả thực có nhiều phương pháp điều trị tật khúc xạ tự nhiên như yoga, bấm huyệt, đắp thuốc, đeo kính lỗ… tuy nhiên chưa có minh chứng khoa học có quy mô và đáng tin cậy nào nhận định rằng bệnh nhân có thể đạt thị thực 10/10 trở lại sau những phương pháp này.
Theo báo cáo “Effect of Yoga Eye Exercise on Medical College Students with Refractive Error” của Ashok Kumar, Rajalakshmi, Monica Kumbhat… trên kho tư liệu của Thư viện Y khoa và Sức Khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (PubMed) cho rằng yoga có thể được coi là phương pháp phụ trợ điều trị Tật khúc xạ. Sau 6 tuần thực hiện các bài tập Yoga cho mắt, bệnh nhân cảm thấy nhìn sáng rõ hơn và mắt đỡ mỏi mệt hơn. Tuy nhiên các kết quả đo đạc thị lực cho thấy độ cận, loạn, viễn ở những bệnh nhân này vẫn tồn tại và không nhẹ đi đáng kể.
Cũng từ Thư viện Y khoa và Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, một nghiên cứu mang tên “A clinical study to evaluate the efficacy of Trataka Yoga Kiriya and eye excercuses (non-pharmocological methods) in the managerment of Timira (Ammetropia and Presbyopia)” của nhóm nghiêm cứu gồm Gopinathan, Kartar Singh Dhiman và Manjusha đã đưa ra nhận xét tương tự. Các phương pháp như yoga, mát xa, bấm huyệt… vùng mắt có thể tác động khiến các cơ ở mắt trở nên khỏe và bớt bị căng, giúp đem lại cảm giác sáng rõ và thoái mái hơn cho bệnh nhân, nhưng không phương pháp nào khiến tật khúc xạ biến mất đi hoàn toàn.
Hiệp Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ đã tuyên bố trong một báo cáo chính thức năm 2013 rằng các phương pháp tự nhiên, không chính thống… không thể điều trị dứt điểm các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị hay các vấn đề thị lực do bệnh lý khác về mắt.
Về một số trường hợp đã khỏi cận thị sau khi bấm huyệt, xoa bóp… có thể nói những trường hợp đó thường rơi vào số bị “cận thị giả”. Ví dụ, chúng ta phải làm việc liên tục hàng tuần với máy tính, những em bé sắp tới mùa thi phải học với cường độ cao dễ gây ra tình trạng giả cận thị. Tức là, tại một thời điểm nhất thời mắt phải điều tiết liên tục nên tầm nhìn thị lực giảm. Nhưng nếu để mắt được nghỉ ngơi, mắt có thể tự trở lại bình thường.
Nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ mắc TẬT KHÚC XẠ mà không được đeo kính
Bệnh viện Mắt Quốc tế DND đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ không cho con đeo kính khi trẻ bị tật khúc xạ, mà thay vào đó, dùng phương pháp điều trị bằng đắp thuốc và bấm huyệt. Một thời gian dài trẻ không được đeo kính, vì vậy, mắt phải điều tiết nhiều hơn. Để càng lâu, độ cận của trẻ càng tăng nhanh hơn, có những bé tăng tới 2-3 độ. Cũng có rất nhiều chị em văn phòng sau khi đi bấm huyệt, xoa bóp, đắp thuốc cận thị không khỏi mà còn bị tăng độ thêm.
Nếu mắc TẬT KHÚC XẠ mà không được đeo kính, ngoài tăng độ nhanh thì bệnh nhân còn có nguy cơ bị nhược thị. Trên mỗi bệnh nhân với từng loại tật khúc xạ khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Đặc biệt đối với những trường hợp có độ khúc xạ cao: cận thị, viễn thị, loạn thị cao, những bệnh nhân có lệch khúc xạ trên 2 diop giữa hai mắt, hoặc có tật khúc xạ chỉ ở 1 bên mắt rất dễ mắc tình trạng nhược thị. Nhiều bệnh nhân bị nhược thị do đeo kính thường không đủ số hoặc được khám xác định độ khúc xạ muộn. Cũng có những trường hợp vô tình đi khám thì mới được chẩn đoán có tật khúc xạ ở 1 bên mắt và mắt đó đã bị nhược thị, thậm chí nhược thị sâu (thị lực chỉnh kính dưới 3/10).
– Theo Rouse M. W, nguy cơ gây nhược thị ở mắt có tật khúc xạ là:
- Độ loạn thị > 2.5D.
- Độ viễn thị > 5.0D.
- Độ cận thị > 8.0D.
Với những bệnh nhân khi đã được chẩn đoán bị nhược thị, việc chỉnh thị, chỉnh quang rất quan trọng. Càng được khám chẩn đoán và điều trị sớm thì tiên lượng điều trị càng tốt. Tốt nhất là khi trẻ dưới 12 tuổi, tiên lượng kết quả điều trị sẽ cao hơn hẳn nhóm bệnh nhân tuổi lớn hơn. Ngoài việc ảnh hưởng tới chức năng thị giác với những bệnh nhân có độ khúc xạ cao, lệch khúc xạ còn dễ có nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng thẩm mỹ đó là gây lác trong hoặc lác ngoài.
Như vậy việc tập luyện chỉ là một phương pháp hỗ trợ trong điều trị và quan trọng nhất vẫn là bệnh nhân được chỉnh một cặp kính đúng số và tập luyện đúng cách cho từng loại tật khúc xạ. Sẽ thật sai lầm nếu những trẻ có tật khúc xạ mà bắt các con bỏ kính để tập yoga hay bấm huyệt… Trên thực tế chúng tôi đã khám khá nhiều trường hợp sau khi bỏ kính và đi tập sau một thời gian, độ khúc xạ bị tăng lên kèm theo gây ra nhược thị. Đó thực sự là điều đáng tiếc cho các bố mẹ không tìm hiểu cặn kẽ, đầy đủ thông tin, gây ảnh hưởng tới thị lực các con. Nếu trẻ bị nhược thị sâu sẽ không có khả năng phục hồi lại được thị lực.