Quáng gà – Nằm trong số các bệnh lý về mắt, là một trong những loại bệnh về mắt gặp khá nhiều. Đây không phải là căn bệnh mang tính chất nguy hiểm, tuy nhiên, sự suy giảm thị lực trong điều kiện ánh sáng yếu trở thành rào cản lớn cho cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Tuỳ vào từng trường hợp bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
Quáng gà là gì?
Quáng gà hay còn được gọi với cái tên “chứng bệnh mù đêm”, bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc. Đây là bệnh được đặc trưng bởi tình trạng giảm tầm nhìn, giảm thị lực vào thời điểm thiếu ánh sáng, chủ yếu là buổi chập tối và ban đêm, những nơi ánh sáng không đầy đủ.
Khi thăm khám đáy mắt có thể thấy các đám sắc tố hình tế bào xương ở võng mạc. Bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh nếu không đi khám và điều trị đúng cách.
Biểu hiện của bệnh quáng gà
Đặc trưng của người bị quáng gà đó là nhìn rất kém trong môi trường có ánh sáng yếu. Một số biểu hiện cụ thể của bệnh lý này như sau:
- Khi di chuyển trong môi trường ánh sáng yếu rất hay vấp ngã dễ bị vấp ngã hay va đập vào các đồ vật xung quanh hoặc điều khiển phương tiện giao thông rất khó khăn (vì không nhìn rõ vào ban đêm hoặc trong bóng tối)
- Thời gian để mắt kịp thích ứng và nhìn rõ khi di chuyển từ môi trường sáng sang môi trường tối cũng sẽ lâu hơn người bình thường. Bệnh nhân lúc này sẽ cần đợi một lúc để có thể nhìn rõ ràng mọi vật ở xung quanh.
- Phần thị trường nhìn thấy của mắt có biểu hiện thu hẹp lại, có đôi khi còn xuất hiện tình trạng thị trường bị thu hẹp nghiêm trọng, khiến cho người bệnh có cảm giác như nhìn qua một chiếc ống. Trong trường hợp mắt bệnh nhân có xuất hiện ám điểm (vùng nhỏ không thấy bên trong thị trường), thì lúc này tình trạng quáng gà đã trở nên nặng hơn.
- Khi thăm khám lâm sàng bên ngoài mắt rất khó để phát hiện ra chứng quáng gà, trừ trường hợp người bệnh bị đục thuỷ tinh thể nặng.
Ngoài những biểu hiện hay gặp ở trên thì tùy vào nguyên nhân gây nên quáng gà mà sẽ có các triệu chứng khác đi kèm như: buồn nôn, đau đầu, đau mắt, thấy có chấm đen trước mắt,…
Nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà, có thể kể đến những nguyên nhân như sau:
- Thiếu hụt vitamin A: Cơ thể bệnh nhân thiếu hụt vitamin A khiến việc hình thành sắc tố Rhodopsin trong tế bào hình que gặp cản trở. Từ đó, mắt sẽ gặp khó khăn khi phải nhìn trong môi trường có ánh sáng yếu.
- Đục thuỷ tinh thể: Khi bệnh nhân bị đục thuỷ tinh thể, các luồng sáng từ bên ngoài đi vào mắt sẽ bị ảnh hưởng theo. Từ đó, lượng ánh sáng mà các cơ quan cảm thụ mắt nhận được sẽ ít hơn nhiều so với lượng ánh sáng thực tế, gây ra hiện tượng nhìn kém.
- Tăng nhãn áp: Tăng nhãn áp gây ra những tổn thương cho các thành phần bên trong ổ mắt. Nếu bệnh kéo dài sẽ gây nên những tình trạng nguy hiểm như: thoái hoá thần kinh thị giác, hiện tượng thoái hóa hoàng điểm,…
- Viêm võng mạc sắc tố: Viêm võng mạc sắc tố khiến cho các hoạt động trưởng thành của tế bào cảm nhận ánh sáng bị ảnh hưởng, kéo dài có thể gây ra quáng gà.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng gây ra hiện tượng quáng gà cho người bệnh: thuốc tăng nhãn áp có khả năng gây đóng con ngươi và khiến bệnh nhân bị quáng gà
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, chúng ta cũng không thể bỏ qua 1 số yếu tố khác như: bệnh tiểu đường, keratoconus, tác dụng phụ không mong muốn của một số loại thuốc,…
Cần lưu ý rằng, bệnh quáng gà hình thành không chỉ từ một nguyên nhân mà còn là kết quả của hàng loạt nguyên nhân khác nhau. Vì thế, muốn tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng, tránh bỏ sót, điều này sẽ giúp việc kiểm soát bệnh đạt được hiệu quả tối ưu. Trong đó, khám và chữa trị quáng gà tại bệnh viện chuyên khoa mắt là hướng chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân.
Những đối tượng dễ mắc bệnh quáng gà nhất
- Những người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc đục thuỷ tinh thể.
- Trẻ em dưới 3 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng hoặc không được cung cấp đầy đủ vitamin A, nếu như cơ thể không được bổ sung đầy đủ vitamin A trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh quáng gà rất cao
- Bệnh nhân bị suy tuyến tụy, rối loạn hấp thu chất béo.
- Đối với những người bị mắc bệnh tiểu đường, lượng đường ở trong máu thường cao hơn bình thường nên có thể sẽ gây ra những biến chứng ở mắt
- Người tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị công nghệ điện tử như học sinh – sinh viên và nhân viên văn phòng,…
Các cách phòng ngừa và điều trị bệnh quáng gà
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh quáng gà, nên thực hiện một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ vitamin A cùng với những khoáng chất thiết yếu có thể phòng tránh được bệnh quáng gà. Các loại thực phẩm có màu đỏ cam như: cà rốt, cà chua, xoài, bí đỏ… hoặc các loại rau lá chính là nguồn dinh dưỡng rất giàu vitamin A.
Đối với những người có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin A cao như phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ không bú sữa mẹ… cần phải bổ sung thêm vitamin A cho cơ thể để có thể phòng tránh triệu chứng của bệnh quáng gà. Người nhà có thể đưa trẻ đi uống vitamin A theo định kỳ để trẻ có một đôi mắt sáng và khỏe mạnh.
Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh quáng gà do di truyền hoặc bẩm sinh cần phải:
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có thể tránh cho bệnh có diễn biến xấu đi. Khi thấy những dấu hiệu bất thường cần phải nhanh chóng đi khám bác sĩ. Thường xuyên tái khám theo định kỳ để có thể kiểm tra được tình trạng bệnh cũng như theo dõi được những chuyển biến trong quá trình điều trị bệnh.
- Nên hạn chế điều khiển phương tiện giao thông vào ban đêm để tránh gây ra nguy hiểm cho những người xung quanh.
- Nên tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để không gặp phải biến chứng nghiêm trọng của quáng gà. Đặc biệt nếu nhận thấy có những triệu chứng bất thường hãy tới ngay cơ sở y tế để tái khám.
Cách điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bệnh mà các bác sĩ có chỉ định phù hợp cho từng bệnh nhân, cụ thể như sau:
- Nếu quáng gà do di truyền: Bệnh nhân chỉ có thể được điều trị triệu chứng và phòng tránh diễn tiến của bệnh như: tư vấn, khám sàng lọc tiền hôn nhân, phẫu thuật cấy vi mạch trong võng mạc, cấy các tế bào gốc,… Ngày nay có các phương pháp như cấy tế bào gốc hoặc cấy vi mạch lên võng mạc đang được thử nghiệm tạo ra hy vọng mới cho việc cải thiện chức năng thị giác ở bệnh nhân quáng gà.
- Bệnh nhân nên tập thích nghi và di chuyển trong tình trạng quáng gà và hạn chế lái xe vào ban đêm để tránh gây nguy hiểm.
- Quáng gà do cận thị: Thị lực có thể được cải thiện nhờ đeo kính cận (kính đeo mắt hoặc kính áp tròng), kể cả thị lực ban ngày hay ban đêm hoặc điều trị bằng cách phẫu thuật tật khúc xạ.
- Quáng gà do đục thủy tinh thể: Phẫu thuật thay thế thủy tinh thể giúp cải thiện đáng kể thị lực.
- Đối với bệnh nhân bị quáng gà cần cải thiện bữa ăn, bảo đảm ăn uống hợp lý, cân đối các chất dinh dưỡng và đủ vitamin A. Chú trọng sử dụng các thực phẩm giàu đạm, mỡ và vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Bổ sung vitamin A cho các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ) uống vitamin A liều cao định kỳ có sự tư vấn bởi các bác sĩ dinh dưỡng. Nhưng việc sử dụng vitamin A cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định vì nếu dùng quá liều vitamin A sẽ gây nên những tác dụng phụ nghiêm trọng
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt bệnh sởi, viêm phổi, tiêu chảy kéo dài…
Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp về bệnh quáng gà – đây là một bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, vậy nên, chúng ta cần có những phương pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách từ bác sĩ có kinh nghiệm ở các bệnh viện uy tín.
Bệnh viện TNCK Mắt Quốc tế DND-Hải Dương là một trong những bệnh viện hàng đầu chuyên điều trị và phẫu thuật các bệnh lý về mắt, quý khách hàng có nhu cầu muốn tư vấn và phẫu thuật, vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN TNCK MẮT QUỐC TẾ DND HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: 250 Trường Chinh, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương
Hotline: 0899 034 034
Fanpage: https://www.fb.com/HaiDuong.matquocte.vn
Website: https://haiduong.matquocte.vn/