Thuỷ tinh thể nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong phẫu thuật Phaco (thay thuỷ tinh thể), tùy theo tình trạng của mắt và mong muốn của bản thân, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân nên chọn loại thủy tinh thể nào là phù hợp nhất.
Thuỷ tinh thể nhân tạo là gì?
Thuỷ tinh thể như một thấu kính trong suốt với hai mặt cong, nằm phía sau mống mắt (còn được gọi là lòng đen) giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Thủy tinh thể không có mạch máu hay dây thần kinh, do đó, nó nhận các chất dinh dưỡng thông qua quá trình thẩm thấu.
Thủy tinh thể nhân tạo (tên tiếng anh: Intraocular lens – IOL) là 1 thấu kính nội nhãn rất nhỏ có độ khúc xạ, được chế tạo phù hợp với mắt người nhằm thay thế cho thủy tinh thể tự nhiên bị đục đã được tán nhuyễn và hút ra ngoài trong phẫu thuật thay thủy tinh thể để hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh. Đây là thấu kính có tuổi thọ vĩnh viễn và hoàn toàn không cần thay mới khi đã được đặt vào mắt nên bệnh nhân không phải sợ thấu kính này sẽ bị hỏng hay thoái hóa theo thời gian.
Trong quá trình phẫu thuật, thủy tinh thể tự nhiên bị đục sẽ được tán nhuyễn và hút ra ngoài, sau đó thay thế thủy tinh thể nhân tạo vào để hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh. Hầu hết các loại IOL được làm bằng silicone, acrylic hoặc nhựa PMMA. Chúng cũng được phủ một lớp vật liệu đặc biệt để giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím (UV) có hại của mặt trời.
Cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo có thể giúp khắc phục các vấn đề về thị lực như cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị. Đồng thời giúp người bệnh khôi phục thị lực nhanh chóng, trường nhìn rộng và rõ nét hơn.
Nên chọn loại thủy tinh thể nào?
Phụ thuộc vào đặc điểm của mắt bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân lựa chọn một trong hai loại thủy tinh thể nhân tạo sau đây:
Thủy tinh thể đa tiêu cự:
Thủy tinh thể đa tiêu cự có nhiều tiêu điểm khác nhau giúp người bệnh cải thiện tầm nhìn ở nhiều khoảng cách như: cận cảnh hoặc, trung bình hoặc nhìn xa. Với thiết kế tối ưu cho cả khoảng cách nhìn gần, trung gian và xa, thủy tinh thể đa tiêu cự sẽ giúp bệnh nhân nhìn rõ mọi khoảng cách mà không cần đến sự hỗ trợ của kính. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bệnh nhân không phù hợp với thủy tinh thể đa tiêu cự:
- Dây chằng zinn bị yếu, đứt hoặc đồng tử méo. Lúc này sẽ khó cố định tâm thủy tinh thể nhân tạo;
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý về đáy mắt như bong võng mạc, xuất huyết đáy mắt, màng trước võng mạc, glocom;
- Người thường phải lái xe vào ban đêm.
Thủy tinh thể đơn tiêu cự:
Thuỷ tinh thể đơn tiêu cự được coi là phổ biến và tốt nhất hiện nay. Thị lực chỉ nhìn gần và nhìn xa sẽ phù hợp với thủy tinh thể đơn tiêu cự. Phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng mắt của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn loại thủy tinh thể đơn tiêu phù hợp. Với thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự, người bệnh sẽ cần hỗ trợ của kính khi nhìn ở khoảng cách trung.
Ngoài cách phân biệt phổ biến này thì cũng có thể phân loại thủy tinh thể nhân tạo theo khoảng nhìn:
- Từ 30 – 50 cm là gần
- Từ 50 – 100 cm là trung bình
- từ 100 cm trở lên là xa
Khi nào cần đặt thuỷ tinh thể nhân tạo?
Những trường hợp như đục thủy tinh thể, thị lực kém nhìn mờ do tuổi tác và lão hóa,… làm tán xạ ánh sáng, thậm chí chặn ánh sáng khiến người bệnh mờ mắt, mất màu, chói và xuất hiện tình trạng quầng sáng xung quanh đèn, lúc này người bệnh sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật cấy ghép, đặt thủy tinh thể nhân tạo.
Việc đặt thủy tinh thể nhân tạo nên được phát hiện và phẫu thuật điều trị sớm ngay khi mắt có những biểu hiện về đục thủy tinh thể. Điều này cũng giúp cho người bệnh tránh được nguy cơ mù lòa, mất thị lực.
Quy trình phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo
Người bệnh được tra thuốc kháng sinh, thuốc giãn đồng tử vào mắt mổ và uống thuốc ổn định nhãn áp trước phẫu thuật, sau đó được tiêm tê hoặc nhỏ thuốc tê
- Bước 1: Tạo đường mổ ở giác mạc
- Bước 2: Xé bao trước thuỷ tinh thể
- Bước 3: Tán nhuyễn nhân thuỷ tinh thể và hút ra ngoài
- Bước 4: Đặt thuỷ tinh thể nhân tạo vào túi bao
- Bước 5: Rửa hút sạch tiền phòng
Kết thúc quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được tra kháng sinh vào vết mổ và đeo kính bảo vệ mắt do bệnh viện cấp (Không cần băng).
Tổng kết, người bệnh nên chọn loại thủy tinh thể nào sẽ dựa trên chỉ định của bác sĩ. Bạn cần phẫu thuật đục thủy tinh thể ở những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh những cơ sở không có giấy phép hành nghề hoặc lừa đảo. Bệnh viện TNCK Mắt Quốc tế DND-Hải Dương là một trong những cơ sở khám và thực hiện phẫu thuật Phaco uy tín và được người bệnh tin tưởng trong nhiều năm qua.
BỆNH VIỆN TNCK MẮT QUỐC TẾ DND HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: 250 Trường Chinh, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương
Hotline: 0899 034 034
Fanpage: https://www.fb.com/HaiDuong.matquocte.vn
Website: https://haiduong.matquocte.vn/