1.Bỏng mắt là gì?
Bỏng mắt là 1 cấp cứu nhãn khoa đáng lo ngại do tính chất nặng nề cả về thị lực và thẩm mĩ. Tiên lượng phụ thuộc điều trị sớm hay muộn. Vì vậy sơ cứu bỏng mắt là hết sức cần thiết và cần được phổ biến cho cộng đồng.
Có 2 nhóm tác nhân chính gây bỏng mắt: nhiệt độ và hoá chất. Ngoài ra còn có 1 số nguyên nhân ít gặp như: tia xạ, tia laser, tia cực tím,…
Bỏng nhiệt là tổn thương chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm gần tới 90%). Tổn thương có thể do nhiệt ướt (hơi nóng, nước sôi, kim loại nóng chảy,…) hay nhiệt khô (lửa củi, lửa xăng dầu,…). Mức độ tổn thương do nhiệt phụ thuộc 2 yếu tố: sức nhiệt và thời gian tác dụng. Tuy nhiên, tổn thương nhãn cầu thường nhẹ hơn do mi mắt có phản xạ nhắm mắt.
Bỏng hoá chất ít gặp hơn nhưng tổn thương lại nặng nề và phức tạp hơn do những tổn thương sâu của nhãn cầu. Bỏng hoá chất thường để lại những hậu quả nặng nề về cả chức năng cũng như thực thể.
2. Sơ cứu bỏng mắt
Tiên lượng của bỏng mắt phụ thuộc vào sơ cứu, cấp cứu ở những giây phút ban đầu sau bị bỏng. Do đó, việc sơ cứu bỏng ngay tại nơi tai nạn là đặc biệt quan trọng. Việc đầu tiên cần làm là loại trừ tác nhân gây gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa mắt với nước sạch và khối lượng nhiều. Trong điều kiện không có nước sạch thì phải chấp nhận sử dụng nước không sạch: nước ao, hồ,…
Tác dụng của việc rửa mắt không chỉ là loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt mà còn làm giảm nồng độ hoá chất gây bỏng (đối với bỏng hoá chất) và hạ nhiệt vùng bỏng (đối với bỏng nhiệt).
Về phương thức rửa, có thể vận dụng các cách như nằm ngửa mặt dưới vòi nước chảy, hoặc ngâm mặt trong chậu nước mát và chớp mắt nhiều lần để nước lưu thông toàn bộ bề mặt nhãn cầu.
Thời điểm rửa mắt tốt nhất là ngay sau bỏng, thời gian rửa tối thiểu là 15 phút.
Khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, người nhà cần mang theo chai lọ và nhãn mác dung dịch hoá chất gây bỏng để bác sĩ nhận biết được loại hoá chất gây bỏng để có hướng xử trí nhanh nhất, chính xác và hiệu quả nhất.
3. Điều trị bỏng mắt
Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân được đo pH mắt ngay lập tức. Nếu pH chưa trung tính cần được tiếp tục rửa mắt đến khi pH = 7. Nếu tổn thương đã ngấm sâu, bệnh nhân sẽ được rửa mắt nhỏ giọt bằng các dung dịch: nước muối sinh lý, ringer lactat, dung dịch đệm phosphat pH 7,4.
Các điều trị nội khoa:
Chống viêm giảm đau: giảm đau đường uống như paracetamol 500mg, đường nhỏ mắt: atropin 0,5%. Chống viêm steroid hoặc non-steroid trong 7 ngày đầu.
Chống nhiễm khuẩn: phối hợp kháng sinh toàn thân và nhỏ mắt. Kháng sinh mỡ nên dùng là tetracylin vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa có tác dụng ức chế men tiêu collagen.
Chống nhuyễn giác mạc: Tiêm dưới kết mạc huyết thanh hoặc máu tự thân (có chứa α2- marcoglobulin).
Tăng cường quá trình hồi phục: vitamin C, nước mắt nhân tạo.