Cu Bo nhà chị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) mới 7 tuổi mà cận đến hơn 4 đi-ốp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như học tập của bé. Mặc dù bé chẳng kêu ca nhưng mỗi lần đi khám lại tăng độ, cứ nhìn thấy con kè kè với cặp kính chị sốt ruột lắm muốn đưa con đi mổ, nhưng mọi người khuyên là không nên mổ sớm cho con nên chị đang phân vân không biết trẻ em bị cận thị nặng có nên phẫu thuật điều trị không?
Để giải đáp cho thắc mắc của chị Huyền cũng như đại đa số phụ huynh có con bị cận thị, hãy tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về vấn đề cận thị ở trẻ em cũng như phương pháp phòng tránh.
Nguyên nhân cận thị ở trẻ em
Hiện nay, cận thị là tật ngày càng gia tăng trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt là ở trẻ em. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cận thị, trong đó phổ biến nhất là di truyền hoặc do thói quen sinh hoạt mắt hàng ngày như: đọc sách sai tư thế, sử dụng sai loại đèn điện, lớp học không đủ ánh sáng, trẻ sử dụng vi tính, điện thoại di động thường xuyên…
Trước tình trạng này nhiều phụ huynh lo lắng đã sử dụng nhiều biện pháp giúp con khắc phục tình trạng cận thị như đeo kính gọng, áp tròng, giảm tải cho mắt… và cũng nhiều người nghĩ đến các phương pháp mổ cận để điều trị dứt điểm cận thị cho con mình.
Không nên mổ mắt cận thị cho trẻ
Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, tất cả trẻ em dưới 18 tuổi không nên mổ mắt cận thị. Việc mổ cận đối với trẻ dưới 18 tuổi là những trường hợp đặc biệt, cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi tình trạng khúc xạ trong một thời gian dài.
Đối với trẻ dưới 18 tuổi, thay vì lựa chọn phẫu thuật, bố mẹ cần thường xuyên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa 6 tháng 1 lần để kiểm tra độ cận và sử dụng kính phù hợp. Bố mẹ cũng có thể tham khảo phương pháp sử dụng kính áp tròng ban đêm OrthoK để giúp trẻ không phải sử dụng kính gọng, đồng thời hạn chế sự gia tăng độ cận.
Đối với những trẻ cận thị cao (trên 6 độ), bố mẹ đưa bé đi kiểm tra mắt 3 tháng 1 để gia đình và bác sĩ phối hợp hướng điều trị tốt nhất dành cho trẻ, tránh nhược thị và các biến chứng khác ở mắt do cận thị cao gây ra.
Sau 18 tuổi, nếu độ cận ổn định, bạn có thể tham khảo các phương pháp phẫu thuật hiện đại như: ReLEx SMILE, Femto Lasik hoặc Lasik thông thường. Đây đều là các phương pháp phẫu thuật bằng Laser, có thời gian điều trị nhanh, an toàn, không đau, không chảy máu, rất nhẹ nhàng và mang lại kết quả tối ưu nhất dành cho bệnh nhân.
Cách phòng tránh cận thị cho trẻ
Để trẻ em có đôi mắt khỏe, ngay từ khi chào đời, và khi bắt đầu đến trường, các bậc phụ huynh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cũng như tập cho bé thói quen tốt để phòng tránh cận thị như bổ sung dưỡng chất cho mắt với các thực phẩm giàu beta-carotene trong ớt, gấc, củ cải đường… vitamin A, Kẽm, Vitamin C, Selen và rau xanh…
Ngoài quan tâm chế độ dinh dưỡng của trẻ, bạn cần hạn chế bé xem ti vi, các thiết bị điện tử nhằm giảm tải căng thẳng cho mắt. Rèn luyện cho bé thói quen tốt cho mắt như ngồi đúng tư thế, sử dụng ánh sáng trắng cho đèn học và đảm bảo đủ sáng, không nhìn sách vở quá gần… Đồng thời nên cho trẻ khám mắt định kỳ 3 đến 6 tháng/lần để theo dõi khi bé có biểu hiện cận thị.